Theo Insider, một nghiên cứu nhỏ được công bố vào ngày 16/4 trên tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm, ăn cơm hâm nóng thay vì cơm mới nấu có thể làm chậm lượng đường trong máu tăng đột biến ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Ba Lan từ Đại học Khoa học Y khoa Poznan đã nghiên cứu 32 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1, so sánh lượng đường trong máu của họ sau khi ăn hai bữa ăn thử nghiệm khác nhau.
Một bữa ăn là cơm trắng hạt dài, khoảng 46 gam carbohydrate, được chuẩn bị và dùng ngay. Phần còn lại cũng là phần cơm nhưng để nguội trong tủ lạnh trong 24 giờ, sau đó hâm nóng lại và dùng.
Họ phát hiện ra rằng khi những người tham gia ăn cơm nguội, lượng đường trong máu của họ ổn định hơn đáng kể, ít tăng hơn và thời gian đạt đỉnh ngắn hơn so với khi họ ăn cơm nóng.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả cho thấy các loại carbohydrate được làm mát như gạo có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu nhờ vào một loại carbohydrate cụ thể gọi là tinh bột kháng tiêu. Phần cơm nguội trong nghiên cứu chứa nhiều tinh bột kháng tiêu hơn đáng kể so với cơm nóng.
Bằng chứng cho thấy tinh bột kháng tiêu được tiêu hóa chậm hơn. Do đó, tinh bột kháng tiêu có thể giúp cân bằng sự hấp thụ các loại carbs khác để cân bằng lượng đường trong máu, tương tự như chất xơ.
Mặc dù nghiên cứu này có quy mô nhỏ và tập trung vào một nhóm dân số cụ thể, nhưng nghiên cứu trước đây ủng hộ ý tưởng rằng thực phẩm giàu carb làm mát có thể thay đổi cách chúng được hấp thụ.
Một nghiên cứu tương tự năm 2015, được thực hiện trên những người không mắc bệnh tiểu đường, cho thấy kết quả tương tự, trong đó cơm nguội khiến lượng đường trong máu ít tăng đột biến hơn.
Các chuyên gia cho biết việc nhận được nhiều tinh bột kháng tiêu hơn từ carbs đã nguội còn có những lợi ích khác, chẳng hạn như điều chỉnh cảm giác thèm ăn để giúp bạn no sau bữa ăn, ngăn ngừa sụt giảm năng lượng hoặc thậm chí hỗ trợ giảm cân.
“Nếu mọi người đang thực hiện sứ mệnh giảm mỡ trong cơ thể và họ đang xem xét việc cân bằng lượng đường trong máu hoặc nếu họ đang xem xét năng suất làm việc của mình và tránh tình trạng uể oải vào buổi chiều, thì việc thử và tiêu thụ nhiều tinh bột kháng hơn có thể có ích”, chuyên gia dinh dưỡng Rhiannon Lambert nói với Insider.
Ăn cơm nguội đúng cách có thể có lợi cho người bệnh đái tháo đường
Trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature mới đây đã có công bố cho thấy, việc làm nguội cơm ở 4°C trong 24h, sau đó hâm nóng lại có tác dụng giảm lượng đường trong máu sau ăn ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường typ 1.
Các chuyên gia cho rằng trong quá trình làm nguội tinh bột, các phân tử amyloza và các chuỗi nhánh dài của amylopectin tạo thành các vòng xoắn kép và mất khả năng liên kết với nước.
Những chuỗi xoắn kép của phân tử tinh bột có khả năng chống lại sự thủy phân của amylase. Dạng tinh bột kết tinh có thể chống lại sự phân hủy của enzym trong ruột non, do đó làm giảm nồng độ tinh bột tiêu hóa trong các sản phẩm tinh bột nấu chín.
Hiện tượng trên có thể có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường vì việc chuyển hóa tinh bột thành dạng không có sẵn có thể góp phần làm giảm giá trị đường huyết sau khi ăn và giúp giảm biến đổi đường huyết.
Nên lưu ý gì khi ăn cơm nguội
Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, cơm nguội chỉ an toàn nếu được bảo quản và hâm nóng đúng cách. Cơm khi nấu xong nếu để nguội không nên để ngoài nhiệt độ thường dễ bị ôi thiu.
Nên cho cơm nguội vào hộp có nắp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng lại trong vòng 24 giờ. Không để các thức ăn khác dính vào cơm nguội trong quá trình bảo quản vì dễ khiến cơm bị thiu.
Khi ăn lấy ra và làm nóng lại bằng cách hấp hoặc sử dụng lò vi sóng. Cần làm nóng đều cơm và không hâm đi hâm lại nhiều lần.