Liên quan đến chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, Bộ Tài chính cho biết năm 2023 đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 cho phép gia hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.
Trước đó, nhằm hỗ trợ và tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, trong 2 năm 2020, 2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 2 nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được gia hạn nộp tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu của năm 2020, 2021 với thời gian gia hạn trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 5 tháng và 6 tháng.
Tiếp đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp kỳ đầu của năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 – 3.700 tỷ đồng.
“Tổng số giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước từ năm 2020 – 2023 là khoảng 8.019 tỷ đồng”.
Bộ Tài chính.
Cũng theo Bộ Tài chính, với chính sách về giảm tiền thuê đất, trong năm 2023, đơn vị đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quyết định giảm tiền thuê đất của năm 2023. Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất cho các đối tượng đang thuê đất trực tiếp của Nhà nước dưới hình thức trả tiền thuê hàng năm.
Trước đó, trong 2 năm 2020, 2021, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về việc giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, năm 2021 đối với người sử dụng đất thuê bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiếp tục các chính sách hỗ trợ, trong năm 2022, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, về miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban Thường Vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, cho phép miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020.
“Theo thống kê của cơ quan thuế, tổng số miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong các năm 2020-2023 là khoảng 5.300 tỷ đồng”, Bộ Tài chính thông tin.
Cũng theo Bộ Tài chính, liên quan đến việc miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hiện nay đơn vị đang tiếp tục trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về cho phép miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022.
Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng, dịch vụ lữ hành và cho thuê văn phòng nên khi dịch Covid-19 xảy ra, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Đại diện Phòng Tài chính kế hoạch, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, cho biết khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ ban hành, ngoài việc nắm thông tin qua các trang web và các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội của cơ quan thuế, công ty nhận được sự hướng dẫn từ các cán bộ thuế.
Nhờ đó, doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục để được nhận hỗ trợ. Tính riêng số tiền trong năm 2022 tổng công ty được miễn tại 7 điểm thuê đất với diện tích khoảng 7.300 m2 ở Hà Nội lên tới hơn 4,5 tỷ đồng, trong tổng số hơn 15,5 tỷ đồng phải nộp.
Bên cạnh đó, nhờ số tiền thuê đất được gia hạn, giảm 30% vừa qua góp phần cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh của tổng công ty. Với số tiền được miễn giảm tiền thuê đất này, doanh nghiệp sử dụng để trả tiền lương cho người lao động, tiền điện, nước, viễn thông…, vượt qua những khó khăn trước mắt.
Trong bối cảnh những khó khăn, hệ lụy từ đại dịch để lại vẫn còn tác động lớn tới nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp, một số doanh nghiệp mong muốn tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn, miễn giảm tiền thuê đất để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thêm lợi nhuận, từ đó, đóng góp được nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.