Tôi và con gái nhỏ thường rủ rỉ đủ thứ trước giờ đi ngủ, từ chuyện tại sao con không thể nâng cả tòa nhà, cho đến câu đố quốc gia nào có nhiều rắn nhất thế giới.
Một tối gần đây, cuộc “trò chuyện đêm khuya” của bố con tôi tình cờ xoay sang việc học toán, xuất phát từ thắc mắc nhỏ của bé về bảng cửu chương. Sáng hôm sau, tôi kiểm tra lại và có phần ngạc nhiên khi cô bé đã thuộc lòng bảng cửu chương 2.
Tôi lớn lên trong một gia đình “cơ bản”, được mẹ dành nhiều thời gian dạy dỗ từ khi còn nhỏ. Tôi vẫn khoe với con rằng, trước khi vào lớp 1, tôi đã biết viết thành thạo, biết đọc sách thiếu nhi và làm toán cộng trừ đến 10. Chương trình tiểu học hàng ngày trong trí nhớ của tôi là thứ gì đó rất dễ, khi tôi liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc trong 5 năm. Nhưng tôi cũng nhớ rõ mình thường xuyên dừng bước trước các kỳ thi học sinh giỏi toán cấp quận, bởi những gì tôi học được từ mẹ và cô giáo trên lớp chỉ là kiến thức nền tảng, chưa được nâng cao, không đủ để thi thố.
Con gái tôi 5 tuổi, đáng yêu và tràn đầy năng lượng. Tôi và vợ dành nhiều tâm huyết và đầu tư cho con với mong muốn con sẽ có nền tảng tốt cho tương lai. Con tôi đã có thể làm phép tính cộng, trừ đến 100, đọc và viết thành thạo, cũng như phát âm tiếng Anh hay hơn cả bố vì được học với giáo viên nước ngoài từ nhỏ. Tôi cứ nghĩ với “trình độ” đó, con có thể vượt qua bất cứ kỳ thi tuyển lớp 1 nào của các trường tư thục tại Hà Nội. Nhưng trong kỳ kiểm tra đầu vào của một trường tiểu học có tiếng, con tôi không đạt. Đây là một bất ngờ lớn với tôi và gia đình. Chẳng nhẽ niềm tự hào của tôi, và bao nhiêu thời gian tôi dành ra để đồng hành với con mà chỉ đạt kết quả như vậy? Những đứa trẻ đứng trên con tôi trong danh sách còn giỏi đến mức nào? Phụ huynh của các bé đang dạy con ra sao?
Những câu hỏi khiến tôi nhìn lại phương pháp giáo dục của mình, tìm hiểu thang chấm điểm của trường và tìm tòi trên mạng về phương pháp chuẩn bị cho kỳ thi lớp 1 của các phụ huynh khác. Cuối cùng, tôi nhận ra con tôi không hề kém – chỉ là những gì tôi dạy không phù hợp với tiêu chí tuyển sinh.
Tôi dạy con theo cách mà tôi đã được học, trong khi các trường bây giờ chú trọng nhiều vào toán tư duy. Tôi cũng quá tự tin vào kiến thức bản thân mà quên mất con cần được làm quen với dạng bài thi thực tế thông qua các lớp luyện thi.
Là một giảng viên đại học, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm học thêm không ảnh hưởng nhiều đến tôi. Là một phụ huynh, tôi ủng hộ chính sách này, bởi tôi luôn lo lắng nụ cười trên gương mặt con sẽ bị thay thế bởi sự mệt mỏi vì học thêm triền miên. Từ quan sát của mình trong môi trường đại học, tôi hiểu thành công của một người cần xuất phát từ quyết tâm không ngừng học hỏi và khả năng tự học, tự tìm hiểu. Nhưng đứng từ góc nhìn của một phụ huynh, tôi cũng kỳ vọng nhiều hơn vào con mình và mong muốn con không bị bỏ lại phía sau trong xã hội ngày càng cạnh tranh.
Sự mâu thuẫn này khiến tôi trở nên “tham” hơn, và “muốn” nhiều hơn từ con, trong khi lương tâm tôi vẫn luôn mông lung tìm kiếm phương pháp để con “thích học” và có thể “tự học”.
Thời điểm Thông tư 29 đi vào hoạt động đã gần kề, một số đồng nghiệp của tôi có lớp dạy thêm cho học sinh cấp 3 đã đóng lớp và đang buồn bã vì mất một nguồn thu nhập. Con gái tôi được “tạm thời” đảm bảo rằng sẽ không phải và không được học thêm trong 5 năm tiểu học sắp tới. Tiểu học của con có thể sẽ nhẹ nhàng, nhiều niềm vui hơn. Nhưng tôi cũng tự hỏi: nếu một ngày nào đó, con lại xếp cuối trong một kỳ thi, liệu lòng tham trong tôi có lại trỗi dậy, ép con đi học thêm?
Xét cho cùng, con người luôn tham lam và sẽ không có giới hạn hay ranh giới của sự “đủ”. Lệnh cấm dạy thêm và học thêm, nếu không đi kèm với việc giảm tải chương trình và cải cách hình thức thi cử, liệu có vô tình đẩy lòng tham của các bậc phụ huynh vào vòng xoáy sâu hơn. Gia đình có điều kiện tài chính sẽ vẫn tiếp tục cho con học thêm tại các cơ sở giáo dục có đăng ký kinh doanh hoặc thuê riêng gia sư về dạy tại nhà, trong khi những bố mẹ không khá giả sẽ phải chật vật hơn để đầu tư cho con – vô tình tạo thêm áp lực cho trẻ nhỏ và sự chia rẽ trong xã hội.
Lòng tham của tôi hiện tại đã dịu dần. Câu chuyện hôm đó của tôi và con về bảng cửu chương xuất phát một cách tự nhiên, từ sự tò mò của con. Còn tôi giải đáp sự tò mò đấy để khích lệ ham muốn học hỏi của bé. Tôi sẽ vẫn tìm cách khơi dậy sự tò mò tri thức và đồng hành cùng con nhiều nhất có thể, bởi tôi biết năng lực của tôi có hạn, rồi một ngày sẽ không đủ để trả lời tất cả câu hỏi của con.
Điều duy nhất khiến con giỏi hơn và đi xa hơn chính là thái độ không ngừng học hỏi và khả năng tự tìm kiếm câu trả lời cho chính bản thân mình.
Trần Sơn Tùng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/long-tham-cua-phu-huynh-4848512.html