Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 908/VPCP-CN hướng dẫn về quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Công văn được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Sau khi xem xét báo cáo của Bộ KH&ĐT ngày 15/1/2025 về tiến độ triển khai các dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, Ninh Bình – Hải Phòng, cũng như tình hình đấu thầu tại các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo quan trọng:
– Bộ KH&ĐT cần hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện đấu thầu theo phương thức PPP, đảm bảo:
- Cạnh tranh công bằng, minh bạch, không hình thức.
- Không để xảy ra tình trạng ‘quân xanh, quân đỏ’ trong đấu thầu.
- Tối ưu hóa quy trình để lựa chọn nhanh chóng nhà đầu tư có năng lực và giúp tiết kiệm chi phí.
– Các UBND tỉnh, thành phố liên quan cần chủ động triển khai các dự án theo thẩm quyền, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, đảm bảo dự án đúng tiến độ.
Các dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, Ninh Bình – Hải Phòng và các tuyến đường cao tốc đi qua Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đang thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Việc chọn nhà thầu minh bạch, không có dấu hiệu dàn xếp đấu thầu là yêu cầu quan trọng để đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ triển khai.
Chính phủ đang có những động thái quyết liệt để các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và tránh thất thoát ngân sách. Việc siết chặt đấu thầu sẽ giúp chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự, góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.
Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành. Ảnh: Cổng TTĐT UBND tỉnh Đắk Nông
>> Trình Quốc hội bổ sung 38.251 tỷ đồng vốn điều lệ cho VEC
+ Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100-120km/h. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2026 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.
+ Dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có chiều dài khoảng 25km, do UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, đã phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2027.
>> Giải mã tác động từ siêu dự án đường sắt 8,02 tỷ USD đến giao thông và kinh tế Việt Nam
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/sap-dau-thau-loat-du-an-cao-toc-siet-chat-tranh-tinh-trang-quan-xanh-quan-do-197139.html