Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC – MVN) là doanh nghiệp nòng cốt của ngành hàng hải Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. VIMC sở hữu hệ sinh thái với 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó có 16 doanh nghiệp cảng biển như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn,… đồng thời quản lý hơn 13.000 mét cầu bến, chiếm khoảng 30% tổng số cầu bến trên toàn quốc.
Ngay đầu năm 2025, “gã khổng lồ” vận tải biển liên tiếp đón nhận nhiều thông tin tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu MVN mới đây đã thiết lập mức giá kỷ lục hơn 88.000 đồng/cổ phiếu, vượt qua vùng đỉnh cũ vào tháng 6/2024. Chỉ trong vòng hai tháng vừa qua, giá cổ phiếu MVN đã tăng hơn 100%, đưa vốn hóa thị trường của VIMC lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu MVN đạt mức cao nhất lịch sử
Doanh thu kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng
Diễn biến tích cực của cổ phiếu MVN được thúc đẩy nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024. Cụ thể, VIMC đạt doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay, lợi nhuận sau thuế đạt 2.604 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm 2023, xếp thứ hai trong lịch sử, chỉ sau năm 2021 với 3.188 tỷ đồng. Thành tích này giúp VIMC chính thức xóa sạch lỗ lũy kế sau nhiều năm tồn đọng.
Công ty cho biết, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 402 tỷ đồng, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng 54 tỷ đồng, và lợi nhuận khác tăng 997 tỷ đồng đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
VIMC đạt doanh thu cao kỷ lục
VIMC hiện sở hữu đội tàu lớn nhất Việt Nam, chiếm 25% tổng dung tích đội tàu cả nước. Các tàu hàng rời cỡ lớn của công ty, với sức chở lên tới 73.000DWT, đảm nhận vận chuyển khoảng 60% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam mỗi năm.
Bắt tay cùng hãng tàu lớn nhất thế giới tại dự án 5,4 tỷ USD
Ngày 16/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Dự án do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn (thuộc VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL), thành viên của MSC – hãng tàu lớn nhất thế giới, đề xuất đầu tư.
Dự án này sử dụng khoảng 571ha đất với tổng vốn đầu tư không dưới 50.000 tỷ đồng, thời gian hoạt động dự kiến là 50 năm. Theo đề án, cảng dài hơn 7km, có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải 250.000 DWT (24.000 TEU). Công trình được nghiên cứu xây dựng với tổng vốn 5,45 tỷ USD, được triển khai qua 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2027 và toàn bộ dự án hoàn thành vào cuối năm 2045.
Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Khi đạt công suất thiết kế vào năm 2045, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể mang lại nguồn thu từ 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm, bao gồm các khoản thuế bốc xếp, lưu bãi, thu nhập doanh nghiệp, cùng các phí hàng hải và thuê mặt nước.
Trong thời gian tới, VIMC đặt mục tiêu tiếp tục phát triển nhanh đội tàu biển thông qua chiến lược hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới. Điều này không chỉ giúp VIMC tận dụng hiệu quả tệp khách hàng và thị trường sẵn có của đối tác mà còn mở rộng mạng lưới vận tải quốc tế.
>>Huyện ít dân nhất TP. HCM sở hữu siêu cảng 5,5 tỷ USD định hướng trở thành thành phố sinh thái biển
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ga-khong-lo-van-tai-bien-lap-ky-luc-von-hoa-100-000-ty-hop-luc-cung-hang-tau-lon-nhat-the-gioi-tai-du-an-5-4-ty-usd-196770.html