Nội dung chính:
- – Công ty dự kiến cuối 2024 cơ bản sẽ hết nợ, khoản nợ với Eximbank đang được đàm phán mua lại.
- – Hoàng Anh Gia Lai sẽ không mạo hiểm vay vốn đầu tư như trước.
- – Hoàng Anh Gia Lai lạc quan về triển vọng kinh doanh 2023 với 3 ngành kinh doanh chính: sầu riêng, chuối, nuôi heo.
Chiều 20/8/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) đã tổ chức cuộc gặp gỡ với cổ đông để cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh. Đây là cuộc gặp gỡ chia sẻ, không phải là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
Khoản vay với Eximbank đang được đàm phán mua lại
Người đứng đầu công ty, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cho biết hiện khoản nợ của công ty trị giá 587 tỷ đồng (gốc và lãi) tại Eximbank đang được một tổ chức đàm phán mua lại. Ông Đức không nêu cụ thể phương án bán nợ cũng như tổ chức đang đàm phán.
Đây là các khoản nợ được công ty vay từ năm 2014. Tính đến cuối năm 2022, có 279 tỷ đồng đáo hạn nhưng chưa được HAGL thanh toán. Vấn đề chậm thanh toán khoản nợ đến hạn này đã được kiểm toán báo cáo tài chính đưa ý kiến nhấn mạnh. Tuy nhiên sau đó nửa năm, việc thanh toán vẫn chưa được thực hiện, số dư nợ vay của HAGL tại Eximbank vẫn gần như giữ nguyên.
Các khoản nợ vay của HAGL tiếp tục là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm. Đặc biệt trong tình hình chi phí lãi vay quý II/2023 của công ty lên tới 266 tỷ đồng, trong khi khoản lãi gộp từ các hoạt động kinh doanh chính trong kỳ chỉ đạt 186 tỷ đồng.
Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của HAGL, tổng nợ vay của công ty tính đến giữa năm 2023 là 8.085 tỷ đồng. Giá trị nợ vay của HAGL đã giảm đi đáng kể sau thời kỳ “đỉnh cao” năm 2015, sau một loạt biện pháp hoán đổi nợ, bán tài sản…
Nếu khoản nợ vay tại Eximbank được đàm phán mua lại thành công như lời ông Đức nói, số dư nợ vay của công ty tại thời điểm giữa năm 2023 sẽ giảm xuống còn gần 7.500 tỷ đồng.
Về khoản lãi vay phải trả tích lũy tới 4.657 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2023, ông Đức cho biết BIDV đã đồng ý việc HAGL sẽ tập trung thanh toán các khoản nợ gốc, khoản lãi sẽ được đàm phán sau. “Giữa HAGL và BIDV có thỏa thuận riêng, từ rất lâu rồi” – ông Đức nhấn mạnh.
Hiện công ty chỉ nợ lãi trái phiếu, còn lãi các khoản vay khác vẫn được thanh toán đầy đủ, đúng hạn. Ông Đức tự tin, bằng nhiều biện pháp thanh toán nợ nần, về cơ bản đến cuối năm 2024 công ty sẽ hết nợ. Ông đồng thời hứa “sẽ không huy động vốn lớn nữa” , mà dùng nguồn tiền thu được từ hoạt động kinh doanh để tái đầu tư.
“Một con hai cây”
Trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo là ba ngành kinh doanh chính mà HAGL sẽ theo đuổi lâu dài.
Để đi đến quyết định này, HAGL đã trải qua nhiều thăng trầm với nhiều ngành kinh doanh khác nhau cùng những thành công, thất bại. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, HAGL bắt đầu với cao su, mía đường, rồi đến cọ dầu.
Khi chuyển hướng sang mảng trái cây, chanh dây được công ty kỳ vọng tăng trưởng, nhưng cũng nhanh chóng dừng lại do tuổi đời của cây chanh ngắn và giá thành cây giống cao, lại dễ sâu bệnh. Bên cạnh chanh dây, công ty cũng thử nghiệm với hàng loạt trái cây khác và từng mang lại một số kết quả tích cực. Có thể kể đến ớt, thanh long, mít, xoài…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, HAGL đã từng thử nghiệm với bò thịt. Khi mô hình nuôi heo ăn chuối thành công, công ty cũng thử nghiệm nuôi gà ăn chuối. Tuy nhiên, sau một thời gian, heo vẫn là lựa chọn duy nhất của HAGL nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội.
Ông Đoàn Nguyên Đức tự tin bản thân là chuyên gia về chuối sau thời gian dài lăn lộn với loại trái cây này. Ngoài ra, ông cũng mời hai chuyên gia khác về sầu riêng (ông Lã Cảnh Cường) và chăn nuôi heo (Trần Văn Dai) để hỗ trợ công ty quản lý hai ngành kinh doanh còn lại.
Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch từ tháng 7/2022. HAGL đã chuẩn bị 1.000 ha sầu riêng từ trước đó, trong đó 700 ha có độ tuổi cây từ 4 – 5 năm, tức là từ cuối 2024 có thể cho trái ổn định.
Hiện HAGL đã thu hoạch lứa trái bói sầu riêng đầu tiên. Công ty cũng vừa trồng thêm 200 ha sầu riêng, nâng diện tích loại trái cây đắt đỏ này lên 1.200 ha.
Sầu riêng của HAGL thuộc giống Monthong – là giống có xuất xứ Thái Lan với cơm dẻo, ngọt đậm và hạt lép. Hướng tới thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, nơi mới chỉ 1% dân số được ăn sầu riêng vì đắt đỏ (như lời ông Đức nói) – hương vị của monthong phù hợp với sở thích ăn ngọt, cũng như nhu cầu làm các loại bánh của người dân nước này.
Ông Đức cùng với các chuyên gia sầu riêng và chăn nuôi heo đưa ra nhiều thông số về giá vốn và các kịch bản giá trên thị trường, đảm bảo các lĩnh vực kinh doanh hiện tại của công ty “không thể lỗ”, thậm chí lãi lớn.