Nếu bạn nghĩ lòng dạ của ai đó đã thay đổi so với trước đây, thì đúng vậy, họ đã thay đổi. Và cả lòng dạ của bạn cũng vậy.
Hệ tiêu hóa của chúng ta là một trong những cơ quan có tốc độ tái tạo nhanh nhất trong cơ thể. Bởi nếu không làm vậy, sự hao mòn dưới axit dạ dày, sự co bóp, ma sát giữa thức ăn và đường ruột sẽ đặt nó vào nguy cơ tiêu hóa chính nó.
Lòng dạ con người vì vậy bắt buộc phải thay đổi sau mỗi 5-7 ngày.
Có điều, lòng dạ mà chúng ta đang nói đến không phải theo nghĩa bóng là “những gì mà chúng ta nghĩ trong bụng”. Nó là lòng dạ thật, là lớp lót niêm mạc, hay biểu mô trong đường ruột của bạn.
Hãy nhìn xuống bụng của bạn ngay lúc này, ở vị trí bên dưới rốn khoảng 5 cm, đi sâu vào bên trong là một trong những cỗ máy sinh học thú vị bậc nhất trên cơ thể.
Nó là một đường ống dài tới 6 – 9 mét nhưng được xếp gọn vào một không gian chỉ bằng chiếc hộp cơm mà bạn mang đi làm. Tại đây, mọi thứ mà bạn ăn từ rau xanh đến thịt cá, từ cơm bánh đến hoa quả, từ xôi cho đến bánh chưng ngày Tết đang được chia nhỏ ra từng mảnh đường, axit amin, vitamin và khoáng chất để hấp thụ và đi vào máu.
Mặc dù khi nói đến tiêu hóa, mọi người thường chỉ nghĩ đến dạ dày, nhưng dạ dày thực chất chỉ là một cỗ máy nghiền nhỏ thức ăn không hơn không kém.
Tới 90% quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn thực chất diễn ra trong ruột non, nơi mà để hấp thụ được hết thức ăn phải duy trì một diện tích biểu mô liên tục lên tới 200-300 mét vuông.
Bạn không nghe nhầm đâu, nếu trải phẳng toàn bộ lớp biểu mô bao gồm hàng tỷ nếp gấp, nhung mao và vi nhung mao của ruột non ra, bạn sẽ được một tấm thảm rộng bằng 2 sân pickleball cộng lại.
Đó là bởi mỗi tế bào biểu mô đường ruột đều có bề mặt vi nhung, thứ giúp kích thước bề mặt của chúng tăng lên gấp tới 40 lần. Mặc dù ở bên trong cơ thể, đây lại là diện tích tiếp xúc thường xuyên của cơ thể với những yếu tố đến từ bên ngoài, được mang theo thức ăn đi vào ruột.
Sự thật là sau mỗi bữa ăn, biểu mô đường ruột của chúng ta luôn phải trải qua một quá trình tàn phá và hao mòn kinh khủng khiếp. Chúng liên tục phải ma sát với thức ăn thô, vừa được nhúng qua bể axit dạ dày.
Lớp lót này cũng phải tiếp xúc với vi khuẩn, chẳng hạn như E. coli trong thực phẩm, cùng với các độc tố mà vi khuẩn tiết ra. Ngay cả trong điều kiện bình thường, quá trình tiêu hóa cũng sinh ra các gốc tự do làm tổn thương DNA tế bào của lớp lót.
Các tế bào lót đường ruột làm cùng lúc 2 nhiệm vụ: vừa hấp thu dưỡng chất, vừa bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh. Chúng còn tham gia vào hệ miễn dịch bằng cách phát hiện kháng nguyên và kích hoạt phản ứng viêm khi cần thiết.
Để duy trì những chức năng sống còn này, ruột non phải liên tục thay mới lớp biểu mô của mình — một quá trình diễn ra chóng mặt chỉ trong vòng 5–7 ngày.
Và nếu bạn cần một thứ gì đó để so sánh. Các tế bào hồng cầu trong cơ thể chúng ta cũng thay mới, nhưng quá trình diễn ra sau tới 120 ngày. Còn các tế bào da, thứ mà bạn nghĩ sẽ chết đi khiến mình phải tẩy da chết hàng ngày, thực ra chỉ tái tạo sau 39 ngày. Tế bào da chết mà bạn tẩy đi ngày hôm nay thực chất đã sống trên dạ bạn từ hơn 1 tháng trước.
Còn tế bào đường ruột thì không thể đợi. Bởi nếu nếu không được thay thế kịp thời, những tế bào hư hỏng này sẽ tạo ra “lỗ hổng” trong hàng rào ruột, cho phép vi khuẩn và độc tố thẩm thấu vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân — mầm mống của bệnh tiểu đường, tim mạch, thậm chí ung thư.
Để có thể duy trì được tốc độ thay mới thần tốc, như lót lại lớp nhựa đường của con đường cao tốc dài 9 mét từ dạ dày xuống tới đại tràng, sau mỗi 5 ngày, ruột non đã phát triển một đội quân tế bào gốc nằm sâu trong mỗi nếp ruột của nó gọi là hốc Lieberkühn:
Mỗi hốc này chứa hàng trăm tế bào gốc có khả năng phân chia không ngừng, tạo ra các tế bào con di chuyển lên đỉnh nhung mao ruột, thay thế những tế bào già cỗi đã bong ra vào lòng ruột. Quá trình này được điều khiển bởi một mạng lưới tín hiệu phức tạp giúp tế bào gốc cân bằng giữa việc tự làm mới và biệt hóa.
Đáng kinh ngạc hơn, các yếu tố biểu sinh (epigenetic) như methyl hóa histone và sửa đổi chromatin cũng tham gia vào việc “bật/tắt” gene quyết định số phận tế bào, đảm bảo mỗi tế bào mới đều mang đúng chức năng của nó chứ không biến thành tế bào ung thư.
Chúng ta biết mỗi lần phân chia của tế bào đều tạo ra một cơ hội cho chúng đột biến thành ung thư. Vì vậy ở tốc độ thay mới và phân chia thần tốc, cơ thể luôn phải có cơ chế giám sát chặt chẽ trên mỗi một biểu mô lớp lót của đường ruột.
Nhưng ở chiều ngược lại, việc giảm tốc độ thay mới biểu mô đường ruột không phải là ý tưởng hay. Việc chúng làm việc quá vất vả, trong môi trường quá độc hại, đã làm tăng khả năng chúng tích lũy lỗi DNA.
Nếu không được thay thế nhanh, những tế bào này cũng có thể biến thành ung thư. Các nghiên cứu trên bệnh nhân mắc một hội chứng gọi là Trichohepatoenteric đã thực sự tìm thấy tế bào đường ruột của họ có tốc độ thay mới chậm lại. Quá trình cuối cùng dẫn đến bệnh tiêu chảy mạn tính, suy dinh dưỡng và cuối cùng là làm tăng ung thư đại trực tràng.
Ngược lại, ở bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng Trichuris , cơ thể họ có thể tăng tốc độ thay thế biểu mô ruột lên gấp đôi, biến lớp tế bào thành “thang cuốn” đẩy ký sinh trùng ra ngoài trước khi chúng kịp bám trụ.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard còn cho thấy khi đường ruột bị cạn kiệt tế bào gốc do tốc độ thay mới lớp lót quá nhanh, chính các tế bào trưởng thành trong ruột cũng có thể biến trở lại thành tế bào gốc và tự thay mới chính nó.
Vì vậy, tốc độ thay lòng đổi dạ có lẽ chỉ nên tăng chứ không nên giảm.
Bởi việc các biểu mô đường ruột của bạn thay mới là một quy trình sinh lý hết sức quan trọng, để đảm bảo bạn có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng, có năng lượng để hoạt động mỗi ngày, và quan trọng hơn hết là luôn luôn khỏe mạnh.
Nguồn tin: https://genk.vn/co-the-ban-chua-biet-long-da-con-nguoi-chung-ta-deu-thay-doi-sau-moi-5-7-ngay-20250204221658027.chn