Ăn uống có vẻ như là một vấn đề rất nhỏ, tuy nhiên, con người chúng ta sẽ thoải mái nhất khi đang ăn, và đó là lúc họ tự nhiên bộc lộ những thói quen thường ngày của mình. Ngoài ngày ba bữa, những bữa tối, những bữa cỗ, những bữa tiệc linh đình là những điều không thể thiếu trong cuộc sống.
Một món ăn, một bữa ăn, mỗi lời nói và hành động, mỗi chi tiết đều có thể một phần nào đó nói lên được tính cách một con người, và đó sẽ là cơ sở giúp chúng ta nhận biết một người có đáng để kết giao hay thậm chí là hợp tác làm ăn hay không. Nếu bạn muốn nhìn rõ một người, cùng ăn với anh ta một bữa cơm là một cách không tồi!
Tướng ăn phần nào nói lên con người
Người xưa có câu: “Đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi, ăn có tướng ăn”. Tướng ăn của một người chính là cách họ hành lễ và tư thái của họ khi ăn. Ở một mức độ nào đó, một bữa ăn có thể giúp chúng ta thấy được một phần nào đó trong khía cạnh bản chất của một người.
Một người có tướng ăn đoan chính, có văn hóa ứng xử tốt, sẽ là người vừa biết yêu cầu bản thân, lại vừa biết tôn trọng người khác. Trước khi vào bàn, họ sẽ biết nhìn thứ bậc, để người lớn tuổi hoặc các bậc trưởng bối ngồi trước. Sau khi thức ăn được dọn ra, người lớn tuổi sẽ động đũa trước, người nhỏ tuổi sẽ động đũa sau, để thể hiện sự tôn trọng.
Khi gắp thức ăn, không bới, không chọn, gắp phần thức ăn gần mình, gọn gàng, sạch sẽ.
Khi ăn nên nhai chậm, lịch sự, không nghịch điện thoại, không nói linh tinh, không ăn nói bậy bạ, không nói khi đang nhai.
Sau khi ăn xong, nhẹ nhàng sắp xếp bát đũa ngay ngắn, lau miệng sạch sẽ, chào hỏi và rời bàn một cách lịch sự.
Hơn nữa cần phải biết kính trọng cuộc sống, biết ơn thức ăn, không phung phí, quý gạo như vàng, và cố gắng ăn hết sạch.
Bàn ăn tuy nhỏ nhưng lại chứa đầy những quy tắc và lễ nghi.
Có tướng ăn đoan chính và được giáo dục tốt, bạn sẽ được người khác yêu mến và quý trọng.
Gọi món, cho thấy sự tôn trọng
Gọi món là một phần quan trọng của bữa ăn, trông có vẻ dễ dàng, nhưng thực ra cũng bao hàm rất nhiều lễ nghĩa. Những địa điểm khác nhau có các món ăn khác nhau, và những người khác nhau có sở thích ăn uống khác nhau. Cách gọi món không chỉ quyết định chất lượng bữa ăn mà còn cho thấy tính cách của một người.
Có người khi mời khách ăn tối luôn tự cho mình là trung tâm, chỉ quan tâm đến khẩu vị và sở thích của bản thân, hoàn toàn không để ý đến người khác, hoặc đơn giản là hỏi bằng miệng mà không cho người khác xem thực đơn.
Một người thực sự lịch sự sẽ đặt mình vào vị trí của đối phương. Họ sẽ hào phóng, chủ động gọi món, chủ động giới thiệu các món ăn, đặc sản. Ngay cả khi bên kia thực sự nghĩ rằng họ muốn ăn gì cũng được, họ cũng sẽ tôn trọng ý kiến của đối phương. Đó là bởi họ quan tâm tới sở thích, thậm chí cả quan điểm tiêu dùng của đối phương. Thứ gọi là món ăn, nhưng thứ dùng để gọi là cả tấm lòng, những người như vậy là những người chu đáo và chân thành.
Biết kiềm chế khi dùng đồ uống có cồn, là những người kỉ luật tự giác
Đi ăn uống, rượu bia là điều khó có thể tránh khỏi. Rượu là một hình thức góp thêm phần vui vẻ và làm sôi động bầu không khí. Nhưng một số người lại không biết điểm dừng, cũng không biết để ý tới sức khỏe của người khác. Hết chén này tới chén khác, “chú không uống là không nể anh”, rượu vào lời ra, một loạt những tình huống không vui xảy ra vì quá chén.
Không có gì sai khi uống rượu trong khi ăn uống, nhưng việc không biết kiềm chế bản thân trước mặt mọi người là một điều tối kỵ.
Khi kết thúc cuộc nhậu, nếu ai đó say xỉn và mất bình tĩnh, nhẹ nhất sẽ khiến người ta chê cười, tệ nhất là gây họa cho người khác, gặp phải người như vậy, hãy tránh xa càng sớm càng tốt.
Còn có người uống rượu chỉ đơn giản là muốn góp vui cho bầu không khí, họ chỉ kính rượu, không chuốc rượu.
Ăn uống với một người như vậy sẽ khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, đáng tin cậy. Đó cũng là người xứng đáng nhất cho một mối quan hệ lâu dài. Những người có khả năng tự kiểm soát mạnh mẽ, biết đâu là điểm dừng, không bị cái gọi là sĩ diện thao túng là những người đáng để kết giao.