Từ trải nghiệm cá nhân, tôi cho rằng DeepSeek vẫn đang trong quá trình bắt kịp OpenAI, chưa thể gọi là vượt trội.
Hiện tại, DeepSeek R1- mô hình AI mạnh nhất của họ – chỉ ngang tầm OpenAI o1, trong khi OpenAI đã phát triển đến OpenAI o3 với khả năng gần đạt trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).
Nhưng mấy ngày gần đây, DeepSeek liên tục được nói đến trên các diễn đàn công nghệ và mạng xã hội. Không ít người đổ lỗi cho nó về biến động thị trường tài chính, từ Nasdaq giảm điểm đến Bitcoin sụt giá. Trong khi một số chuyên gia tỏ ra thận trọng khi đánh giá, nhiều người đam mê trí tuệ nhân tạo (AI) nhìn nhận DeepSeek như một đối thủ mới nổi có khả năng cạnh tranh trực tiếp với OpenAI.
Theo tôi, nhiều người có cảm giác DeepSeek thông minh hơn đơn giản vì hầu hết người dùng chỉ tiếp cận GPT-4o miễn phí, vốn có khả năng lập luận hạn chế hơn. Còn DeepSeek R1, với sức mạnh ngang OpenAI o1, được cung cấp miễn phí nên khi trải nghiệm, người dùng sẽ cảm thấy nó vượt trội phiên bản miễn phí của OpenAI. Nếu OpenAI o1 cũng được “cho không”, cuộc tranh luận có thể sẽ bớt ồn ào.
Điều dễ dàng thống nhất hơn, là DeepSeek đang tạo ra một cuộc cách mạng về giá trong lĩnh vực AI. Nếu như OpenAI vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống – tức là cung cấp phiên bản cao cấp với chi phí đắt đỏ – thì DeepSeek chọn hướng tiếp cận hoàn toàn khác: giảm giá xuống mức tối thiểu.
Cụ thể, DeepSeek R1 có sức mạnh tương đương OpenAI o1 nhưng giá chỉ bằng 1/30. Trước đó, khi DeepSeek V3 ra mắt với giá chỉ bằng 1/11 so với GPT-4o, nhiều người đã nghĩ đó là một cú sốc. Nhưng R1 xuất hiện đã đẩy chiến lược phá giá lên một cấp độ mới.
Không chỉ rẻ, DeepSeek còn cung cấp API giá thấp hơn nhiều lần so với OpenAI, khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chi phí sử dụng AI. Thậm chí, họ còn cho phép người dùng truy cập miễn phí DeepSeek R1 trên web, trong khi OpenAI vẫn đang loay hoay với chính sách “miễn phí có giới hạn”. Áp lực này đã khiến OpenAI phải thay đổi, khi gần đây họ cũng thông báo sẽ cung cấp một phần OpenAI o3 miễn phí để cạnh tranh.
Cuộc đua AI tại Trung Quốc đang nóng lên khi Alibaba bất ngờ ra mắt Qwen 2.5 ngay trong dịp Tết Nguyên đán, tuyên bố đây là mô hình có khả năng suy luận tốt hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn và mức độ chính xác cao hơn so với DeepSeek V3, đặt ra một thách thức lớn cho các mô hình AI mã nguồn mở khác.
Động thái này cho thấy họ không muốn để DeepSeek độc chiếm thị trường. Nếu như DeepSeek được so sánh như một “tay đua F1 mới” đang thách thức OpenAI, thì sự xuất hiện của Qwen 2.5 giống như một “chiếc siêu xe” khác tham gia đường đua. Cuộc chơi AI giờ đây không còn chỉ là câu chuyện giữa Trung Quốc và Mỹ, mà còn là một cuộc đua nội bộ giữa các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc.
DeepSeek đang chứng minh rằng không phải lúc nào công ty lớn nhất cũng chiến thắng. Nếu như OpenAI tận dụng sức mạnh phần cứng và dữ liệu khổng lồ để tạo ra những mô hình AI mạnh mẽ, thì DeepSeek lại đi theo hướng tối ưu hóa mô hình để đạt hiệu suất cao hơn với chi phí thấp hơn. Nhưng với sự tham gia của Alibaba cùng Qwen 2.5, DeepSeek sẽ phải đối mặt với áp lực lớn ngay trên sân nhà.
Có lẽ trong vòng vài tháng tới, các gã khổng lồ như Google, Meta hay Microsoft hoàn toàn có thể học hỏi, cải tiến và tái tạo chiến lược của DeepSeek và Alibaba. Đặc biệt, khi cả DeepSeek và Alibaba mở mã nguồn, cộng đồng AI có thể nhanh chóng tìm ra cách tối ưu tương tự.
Sự xuất hiện của DeepSeek và Qwen 2.5 đang làm thay đổi cách nhìn về công nghệ Trung Quốc. Nếu trước đây, nhiều người cho rằng các công ty công nghệ Trung Quốc chủ yếu “sao chép” phương Tây, thì giờ đây những cái tên như ByteDance (TikTok), Huawei, DeepSeek và Alibaba đang chứng minh rằng họ có thể đổi mới theo cách riêng.
Bên cạnh những tác động đến cuộc đua AI, sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình như DeepSeek, Qwen 2.5 và GPT-4o cũng đặt ra câu hỏi về tương lai nghề nghiệp của con người. Trong ngành lập trình, các mô hình AI ngày càng có thể viết code, sửa lỗi và thậm chí tối ưu hóa thuật toán một cách tự động.
Những công việc mang tính lặp lại sẽ bị AI thay thế sớm hay muộn. Nhưng nếu một lập trình viên có tư duy giải quyết vấn đề và hiểu rõ bối cảnh kinh doanh, AI sẽ trở thành công cụ hỗ trợ thay vì thay thế.
AI cũng sẽ như vậy – những ai biết cách sử dụng nó sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Trong tương lai, lập trình viên có thể không còn chỉ viết code, mà sẽ chuyển sang vai trò kiến trúc sư phần mềm hoặc chuyên gia giải quyết vấn đề, nơi AI trở thành một công cụ mạnh mẽ trong tay họ.
Cuộc đua giữa OpenAI, DeepSeek và Alibaba mới chỉ bắt đầu. Dù DeepSeek đang gây chú ý với giá rẻ và mã nguồn mở, OpenAI vẫn có lợi thế về tài nguyên và công nghệ, còn Alibaba đang dần thể hiện sức mạnh với Qwen 2.5.
Trong tương lai, AI sẽ ngày càng rẻ hơn, mạnh hơn và phổ biến hơn. Người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, chi phí sử dụng AI sẽ giảm đáng kể, và những ai biết tận dụng AI sẽ trở thành người chiến thắng.
Nhưng một điều chắc chắn: cuộc chơi AI giờ đây không còn là sân khấu của riêng Mỹ nữa, Trung Quốc đã chính thức tham gia với một chiến lược đầy tham vọng.
Đinh Hồng Kỳ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khi-trung-quoc-dua-ai-4844476.html