Cuốn “Đời sợi” tái hiện lịch sử các loại vải qua từng giai đoạn, như thời kỳ văn minh sông Nile hay Con đường Tơ lụa.
Sách gồm 13 chương, như một biên niên sử về thế giới các loại vải. Tác giả Kassia St Clair bắt đầu từ cột mốc của vải lanh – chất liệu gắn với nền văn minh sông Nile, hay lụa ở thời Trung Hoa cổ đại cùng Con đường Tơ Lụa. Sau đó, len của người Viking và nước Anh thời trung cổ xuất hiện, kế tiếp là ren và các chất liệu xa xỉ.
Sách lần lượt đưa người đọc đến với cây bông – gắn với chế độ chiếm hữu nô lệ, sợi nhân tạo giúp định hình xã hội ngày nay, hay quần áo sang trọng làm từ tơ nhện của giới thượng lưu hiện đại. Tác giả chọn các nguồn tài liệu khảo cổ, tham khảo các công trình sử liệu để hoàn thiện cuốn sách.
Theo ấn phẩm, suốt nhiều năm, việc tìm hiểu về vải vóc thường bị xem nhẹ. Ngay cả khi vải vóc được chú ý hơn, người ta cũng chỉ thảo luận về hình thức và sức hấp dẫn của sản phẩm cuối, chứ không phải về nguyên liệu thô hay người đã tạo ra chúng.
Tuy nhiên, vải phản ánh ý nghĩa tôn giáo, văn hóa, kinh tế một cách sâu sắc. Tác giả chứng minh đời sống mỗi người có dấu ấn sâu đậm của ngành dệt may. Trong đó, bốn nguồn sợi tự nhiên chính gồm bông, lụa, lanh và len là chất liệu để con người sáng tạo. Vải mang lại sự ấm áp, bảo vệ, phân định địa vị, tạo nên bản sắc cho mỗi cá nhân.
Vải vóc còn phản ánh sự chuyển đổi về định kiến giới. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ ba TCN, Arthashastra – một chuyên luận về nghệ thuật cai trị – quy định việc dệt vải phải do đàn ông thực hiện. Ngược lại, ở Hy Lạp cổ đại, mọi phụ nữ – từ nữ hoàng đến nô lệ – đều tham gia công việc xe sợi hoặc dệt vải. Phụ nữ dưới triều đại nhà Hạ (khoảng 2070-1600 TCN) thường tận tụy với việc dệt vải. Đến thế kỷ 18, các nghề thủ công liên quan đến dệt may có thể đem lại cho phái nữ quyền lực và địa vị kinh tế, giúp họ kiếm tiền ngang ngửa nam giới.
Vải vóc là “công cụ” cho sự phân chia giai cấp về kinh tế cũng như tôn giáo. Nhiều đời hoàng đế Trung Hoa quan tâm đến các loại lụa sang trọng, trong khi ở châu Âu, thế kỷ 16, ren được sử dụng để thể hiện sự giàu có, gu thẩm mỹ, địa vị xã hội.
Lịch sử vải từng chứng kiến sự hưng thịnh và những cuộc tranh chấp phức tạp của nhiều nền văn hóa. Lụa là một trong những vũ khí ngoại giao bí mật, giúp Trung Hoa hòa hoãn với người Hung – Nô. Trong khi đó, những cánh buồm bằng len giúp người Vikings đi lại, buôn bán, đến các vùng đất mới như Normandy, Greenland, châu Mỹ.
Tác giả còn xoáy sâu vào những chất liệu ít được biết đến, như quần áo giữ nhiệt của những chuyến hành trình chinh phục đỉnh Everest, Nam Cực, hay cách NASA, SpaceX đầu tư vào đồ du hành vũ trụ. Sách còn phơi bày vấn nạn trong ngành công nghiệp sản xuất vải rayon, ảnh hưởng của thời trang nhanh. Từ đó, tác phẩm góp phần chứng minh: “Vải đã thay đổi, định nghĩa, phát triển và định hình thế giới mà ta đang sống”.
Đời sợi được tờ Sunday Times bình chọn là Sách của năm vào năm 2019, lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Somerset Maugham cùng năm ở hạng mục phi hư cấu. Tờ Sunday Times đánh giá tác phẩm đưa người đọc vào hành trình “từ Con đường Tơ Lụa đến trang phục thể thao, từ cổ áo xếp nếp đến bộ đồ phi hành gia”. Kassia St Clair là cây viết về lĩnh vực thiết kế và văn hóa trên các tạp chí như Economist, Telegraph, House & Garden, TLS, New Statesman, đồng thời là diễn giả cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/doi-soi-lich-su-30-000-nam-vai-voc-4839701.html