Sau phiên giao dịch bùng nổ của VinFast tại thị trường Mỹ, bà Lê Thị Thị Thu Thủy, CEO VinFast đã có những chia sẻ đầu tiên với báo chí sau sự kiện trên. Bà Thủy cho biết việc giá cổ phiếu VFS tăng lên hơn 68% so với giá khởi điểm đạt mức giá 37 USD/cp là một bất ngờ lớn đối với công ty. Công ty chưa lường trước được kịch bản này. Nguyên nhân chính là số cổ phiếu lưu hành không quá lớn, chỉ ở mức 4,5 triệu. Cầu vượt cung thì giá chắc chắn sẽ tăng. Điều này cũng chứng tỏ sự quan tâm của nhà đầu tư Mỹ đối với tiềm năng của VinFast.
Khối lượng khớp lệnh của VFS trong phiên đầu là 6,7 triệu cổ phiếu, qua đó giá trị giao dịch đã có thể đạt hơn 200 triệu USD. Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng khởi đầu này đầy hứa hẹn nhưng có rất nhiều khó khăn ở phía trước. Nếu so với thanh khoản ở Việt Nam là khá lớn nhưng đây không phải vấn đề mà công ty quan tâm. VinFast vẫn sẽ tập trung vào giá trị cốt lõi của một công ty và tập trung vào mục tiêu lớn nhất là “vì tương lai xanh”.
Bà Thủy cũng cho biết bà đã nói nhiều chuyện với nhiều ngân hàng đầu tư, họ nhận định cổ phiếu VFS có thể sẽ giảm giá xuống dưới 10 USD trong phiên đầu tiên. Tuy nhiên, cổ phiếu VFS đã nóng ngay từ đợt giao dịch trước giờ mở cửa. Theo ghi nhận, cổ phiếu VFS đã từng lên mức gần 28 USD/cp – tăng 166% so với mốc giá 10,45USD – giá đóng cửa phiên trước đó của cổ phiếu BSAQ của Black Spade.
Trước sức nóng của VFS, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc thị trường Vốn toàn cầu của Nasdaq đã phải thốt lên: “Hai mươi mấy năm ở Nasdaq nhưng tôi chưa thấy công ty nào như VinFast.”
Về lý do chọn niêm yết tại Mỹ, bà Lê Thị Thu Thủy cho rằng thị trường này đang có thanh khoản lớn, thị trường có “sự fair” nhất định sẽ giúp lộ trình phát triển của VinFast đi đúng hướng hơn, thực hiện được những cam kết đã đặt ra từ trước đó. Việc niêm yết trên sàn Nasdaq mang lại ý nghĩa lớn cho Vingroup sau hai năm khó khăn của thị trường.
Với VinFast, công ty có thể tiếp cận được nguồn vốn dồi dào hơn để tiếp tục phát triển cùng ngành công nghiệp ô tô. Còn với Vingroup, với mục tiêu tạo ra một ngành di chuyển xanh thì việc “ra biển lớn” là một khởi đầu tốt.
Một trong mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư là tại sao VinFast lại được định giá là 23 tỷ USD, bà Thủy cho rằng đó là việc bên đơn vị tư vấn SPAC đã làm việc với nhiều bên, đánh giá tiềm năng của công ty và khảo sát thị trường để đưa ra con số đó. Ngoài ra, công ty cũng đang sản xuất mặt hàng đặc thù nên định giá cũng có thể cao hơn.
Chia sẻ về kế hoạch sau khi niêm yết, CEO VinFast chia sẻ quan trọng nhất vẫn là việc huy động vốn. Công ty cũng đang tìm những hướng để có thêm những giao dịch tiếp theo. Việc niêm yết chưa phải kết thúc, mà là màn giới thiệu của công ty với các đối tác.
Việc niêm yết này không hề dễ dàng. Chuẩn mực kế toán tại Mỹ và điều kiện niêm yết không hề dễ dàng nên đây không chỉ là một kế hoạch quảng cáo. VinFast chọn niêm yết Mỹ vì muốn chứng mình bản thân có thể đứng ngang hàng với các công ty toàn cầu và huy động thêm vốn.
Về lý do chọn Black Spade để SPAC, CEO công ty cho rằng có thể đây cũng là một cái duyên. Đã có thể nhiều bên tiếp cận VinFast đề nghị SPAC nhưng công ty vẫn chọn Black Spade. Đơn vị này làm việc rất chuyên nghiệp, ngoài ra đơn vị này còn muốn cùng VinFast ủng hộ cho công nghệ, à hướng tới một lai phát triển xanh. Việc ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup tài trợ cho VinFast 2,5 tỷ USD đã giúp công ty không gặp nhiều áp lực về việc huy động thêm vốn để tổ chức hoạt kinh doanh nên công ty cũng đã quyết định đẩy nhanh quá trình hợp nhất với Black Spade để niêm yết.
Với khoản tài trợ trên, các đối tác cũng sẽ khó ép giá VinFast trên bàn đàm phán khi nhận thêm các khoản đầu tư. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tìm đối tác để huy động vốn nhưng hiện tại chưa có thông tin gì cụ thể.
Bà Thủy cũng chia sẻ thêm, về nguyên tắc nếu nhà đầu tư Việt Nam nếu mở được tài khoản tại Mỹ thì hoàn toàn có thể mua cổ phiếu VFS. Tuy nhiên hiện nay pháp luật Việt Nam đang có nhiều quy định về ngoại hối và chuyển tiền ra nước ngoài nên công ty sẽ tìm phương án để giúp cho những nhà đầu tư quan tâm.