Không phải ai cũng biết rằng loại củ nhỏ bé như tỏi lại chứa dinh dưỡng và các chất tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150g calo và các dưỡng chất như: vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho… Cùng nhiều chất chống oxy hóa, enzym khác.
Bên cạnh công dụng thường gặp nhất là làm gia vị thì tỏi cũng rất hữu ích trong làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Nổi bật như tốt cho tiêu hóa, phòng bệnh tim mạch, huyết áp, bảo vệ xương khớp, chữa cảm cúm, giảm nguy cơ ung thư, trị mụn, làm đẹp da và tóc…
Củ tỏi là “cứu tinh” cho người cao huyết áp
Cao huyết áp là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch tăng cao hơn so với mức bình thường. Ở mức thông thường, hai chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là 120/80 mmHg. Khi chỉ số huyết áp tâm thu > 140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương >90mmHg thì người đó đã mắc bệnh cao huyết áp.
Cao huyết áp là một vấn đề sức khỏe phổ biến và là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch cũng như đột quỵ. Ngược lại, các bệnh lý tim mạch, nhất là nhịp tim cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Còn đối với những người đã bị cao huyết áp thì nhịp tim tăng và khó tránh khỏi kéo theo bệnh tim mạch.
Theo các chuyên gia, ăn tỏi thường xuyên giúp quá trình lão hóa của động mạch chủ có thể được làm chậm lại. Tỏi có công dụng hạ mức cholesterol xấu và đồng thời tăng lượng cholesterol tốt, giúp cơ thể loại bỏ các mảng xơ vữa trên thành mạch máu. Loại củ này cũng có tác dụng giảm mỡ máu, ức chế tích tụ tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành huyết khối.
Đặc biệt, ít người biết rằng tỏi cũng rất tốt với những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp. Cụ thể, tỏi sẽ giúp cơ thể chúng ta kiểm soát huyết áp bằng cách giảm độ nhớt của máu nhờ hoạt chất ajoene. Trong khi đó, chất polysulfides và những phân tử lưu huỳnh có trong tỏi có thể làm giãn cơ trơn, đồng thời kích thích sản xuất các tế bào nội mạc và giãn mạch máu và giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Nhằm phân tích, đánh giá về tác dụng của tỏi trong hỗ trợ chữa cao huyết áp, Viện Y học Tích hợp Quốc gia Melbourne (Úc) đã tổng hợp kết quả của 20 thử nghiệm với 970 người tham gia. Kết quả phân tích cho thấy: mức giảm trung bình ± SE (cộng trừ sai số) của huyết áp tâm thu (SBP) là 5,1 ± 2,2 mmHg (P<0,001). Mức giảm trung bình ± SE của huyết áp tâm trương (DBP) là 2,5 ± 1,6 mm Hg (P<0,002).
Đặc biệt, với nhóm các thử nghiệm tiến hành với đối tượng tăng huyết áp (SBP/DBP ≥ 140/90 mmHg) còn cho thấy chênh lệch mức giảm lớn hơn nữa. Mức giảm ở SBP là 8,7 ± 2,2 mm Hg (P<0,001; n=10) và mức giảm ở DBP là 6,1 ± 1,3 mm Hg (P<0,001; n=6).
Nghiên cứu còn cho thấy, tỏi có tác dụng hỗ trợ giảm LDL- cholesterol, hỗ trợ giảm cholesterol toàn phần, hỗ trợ tăng cường miễn dịch thông qua tăng hoạt động đại thực bào, tế bào NK, sản xuất lympho T và B. Kết luận, các nhà khoa học chứng minh được rằng tỏi giúp hỗ trợ hạ huyết áp ở người bị cao huyết áp, hỗ trợ giảm cholesterol và hỗ trợ tăng cường miễn dịch.
Cách ăn tỏi tốt nhất cho người cao huyết áp
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những lợi ích sức khỏe đã bao gồm cả hỗ trợ điều trị cao huyết áp của tỏi sẽ chỉ được tận dụng tối đa khi chúng ta ăn tỏi sống đập dập hoặc băm nhuyễn.
Bởi công dụng của loại củ này chủ yếu đến từ hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides, hàm lượng cao germanium và selen khá cao. Trong đó, lượng germanium trong tỏi được ước tính cao hơn so với nhân sâm hay trà xanh.
Ăn tỏi sống được băm nhuyễn hoặc đập dập là cách tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe từ loại củ này (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, allicin được cho là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhất của tỏi trong chống lại các loại bệnh tật. Nhưng trong tỏi sống nguyên củ thì allicin chưa tồn tại, chứa tiền thân của allicin là alliin. Phải đến khi bạn nghiền nát hoặc đập dập củ tỏi, kích thích enzym alinase hoạt động thì alliin có trong tỏi sống mới biến thành allicin và có hoạt tính kháng sinh, chống oxy hóa tốt hơn.
Bạn cũng cần ăn tỏi trong vòng 1 – 2 giờ sau khi băm nhuyễn hay đập dập để có thể tận dụng đối ta tác dụng. Các nhà khoa học thuộc Viện Y học Tích hợp Quốc gia Melbourne (Úc) cũng lưu ý rằng tác dụng chống bệnh huyết áp, tim mạch ở tỏi đen tốt hơn tỏi thường.
Thêm một lưu ý quan trọng là dù có nhiều dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe hay làm đẹp nhưng tỏi không phù hợp với tất cả mọi người, nhất là nếu ăn sống loại củ này. Những người tốt nhất nên tránh xa tỏi bao gồm:
– Người đang mắc bệnh dạ dày, tiêu hóa, nhất là trào ngược axit.
– Những người dùng thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu
– Người bị huyết áp thấp.
– Người mắc bệnh gan.
– Người có bệnh lý nghiêm trọng về mắt.
– Người sắp trải qua cuộc đại phẫu, mất máu.
Ngoài ra, những người thường xuyên uống nhiều cà phê, đang tiêu chảy cũng nên hạn chế ăn tỏi. Có những người còn bị dị ứng tỏi với các phản ứng như: đau bụng, tiêu chảy, phát ban, buồn nôn, sưng lưỡi và/hoặc môi. Nếu có phản ứng dị ứng sau khi uống aspirin thì bạn cũng nên tránh tỏi hoặc hỏi ý kiến chuyên gia trước khi ăn.
Nguồn: Good Morning Health, Kknews, MSN