Ngày 11/1, UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) công bố kế hoạch phát triển khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành, hướng đến xây dựng một đô thị sân bay hiện đại, năng động và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây được xem là mô hình đô thị sân bay đầu tiên tại Việt Nam, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ và giao thương hàng đầu.
Theo ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, địa phương đã rà soát và đề xuất các khu vực chức năng xung quanh sân bay Long Thành để phù hợp với quy hoạch phát triển. Khu vực phía Tây Nam và Đông Bắc sân bay được đề xuất làm trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính và tổ chức sự kiện với diện tích khoảng 1.700ha.
Khu vực phía Nam (thuộc huyện Long Thành) và Đông Bắc (thuộc huyện Cẩm Mỹ) được quy hoạch làm khu logistics, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học cấp khu vực, với quy mô 7.100ha. Trong khi đó, khu vực phía Đông Nam sân bay (xã Tân Hiệp) sẽ được phát triển thành khu vui chơi, văn hóa, thể dục thể thao và du lịch nghỉ dưỡng trên diện tích khoảng 1.800ha. Phía Nam sân bay (các xã Phước Bình, Tân Hiệp) cũng được đề xuất làm khu nghiên cứu và giáo dục đào tạo quốc tế với quy mô 100ha.
Ngoài các khu chức năng, Long Thành sẽ phát triển thêm các khu đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm khu phức hợp đô thị dịch vụ Long Thành với diện tích 2.800ha tại các xã Tam An và An Phước; khu đô thị sinh thái Long Phước – Phước Thái trên diện tích 1.500ha; và khu đô thị Lộc An – Bình Sơn với quy mô 2.000ha tại các xã Lộc An và Bình Sơn. Theo ông Lê Văn Tiếp, khu phức hợp đô thị dịch vụ Long Thành hiện đã bắt đầu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Long Thành sẽ là đô thị sân bay đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Bộ GTVT
>> Việt Nam sẽ có đô thị sân bay đầu tiên, xây dựng theo tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Đồng Nai triển khai kế hoạch phát triển Long Thành thành đô thị sân bay hiện đại, bao gồm huyện Long Thành và một phần huyện Nhơn Trạch. Mô hình này không chỉ kết hợp sân bay với các khu chức năng thương mại, giải trí và công nghiệp mà còn tạo nên một hệ sinh thái kinh tế bền vững, mở ra nhiều cơ hội việc làm và đầu tư.
Theo kế hoạch, đô thị sân bay Long Thành sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trước năm 2030 và loại II sau năm 2030. Quy mô dân số dự kiến sẽ đạt 340.000-370.000 người vào năm 2030 và tăng lên 480.000-500.000 người vào năm 2045.
Về tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, đến ngày 9/1, giai đoạn 1 của dự án gồm 4 dự án thành phần đã đạt được nhiều tiến triển. Dự án thành phần 1 liên quan đến trụ sở các cơ quan, hiện đã có 4/5 dự án khởi công và cam kết hoàn thành trước ngày 31/12. Dự án thành phần 2 bao gồm các công trình quản lý bay, trong đó đài kiểm soát không lưu dự kiến sẽ cất nóc trước Tết Nguyên đán.
Dự án thành phần 3 do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục lớn như nhà ga và đường băng cất hạ cánh. Tính đến cuối tháng 12/2024, 3 gói thầu đã hoàn thành, 7 gói đang thi công, 3 gói khác trong giai đoạn thẩm định thiết kế kỹ thuật. Dự án thành phần 4 liên quan đến các công trình dịch vụ mặt đất cũng đã mở thầu và cam kết hoàn thành trước ngày 31/12.
Dự án đô thị sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế và giao thương hàng đầu khu vực, học hỏi mô hình từ các đô thị sân bay thành công trên thế giới như Amsterdam Schiphol, Frankfurt, Changi và Dubai. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam lên bản đồ quốc tế về đô thị sân bay hiện đại.
>> Việt Nam sẽ có đô thị sân bay đầu tiên, xây dựng theo tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/lo-dien-vi-tri-xay-dung-khu-thuong-mai-nghi-duong-quanh-do-thi-san-bay-dau-tien-cua-viet-nam-191963.html