Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng khoa học công nghệ là “chìa khóa vàng” để phát triển thịnh vượng nên cần bố trí ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sáng 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nói khoa học và công nghệ là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước. Các bài học thành công từ Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản hay gần đây là Ấn Độ, Ireland, Hàn Quốc và Singapore đã chứng minh vai trò của khoa học kỹ thuật. Họ đã tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng” để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược, được xem như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Theo Tổng Bí thư, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt mục tiêu đề ra. Các nhà khoa học mất khoảng 50% thời gian, công sức để làm thủ tục; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ hạn chế, kinh phí cho nghiên cứu phát triển chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%.
Các cơ quan chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm đề tài là hình thức “làm kinh tế biến tướng”. Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương “nằm ở khâu tổ chức thực hiện”.
“Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học, Nghị quyết của hành động”, Tổng Bí thư nói. Ông muốn xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư yêu cầu quán triệt quan điểm đầu tư vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai, “xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua”. Ông cũng đề nghị xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là “không khí và ánh sáng của kỷ nguyên mới, tư liệu sản xuất mới”. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Để đạt được những kỳ vọng nêu trên, Tổng Bí thư đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết, ông yêu cầu thống nhất nhận thức phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng.
“Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển”, ông nhấn mạnh.
Tổng Bí thư yêu cầu trong năm 2025 hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa ngay, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, trên tinh thần thông thoáng, một nội dung chỉ quy định ở một luật.
Ban cán sự đảng Chính phủ được giao phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ xây dựng 27 luật và 19 nghị định trong năm 2025, thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và ban hành văn bản hướng dẫn để các quy định mới sớm đi vào thực tiễn. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả, có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, nhất là với đội ngũ cán bộ thực thi, “loại bỏ ngay tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa”.
Lãnh đạo Đảng yêu cầu khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ. Trong Quý I/2025, các cơ quan hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học, công nghệ; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Ông yêu cầu có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ.
Tổng Bí thư lưu ý thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc, thủ tục phải có tính cạnh tranh cao so với các nước khác và xem xét bỏ bớt điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với yêu cầu mới của Nghị quyết 57.
Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng. “Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành. Nay mọi thứ sẽ thuận hơn rất nhiều”, ông nói.
Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ tính toán hình thành cơ chế Kiến trúc sư trưởng hoặc tổng công trình sư cho việc thực hiện các đề án, dự án lớn về khoa học công nghệ và chuyển đổi số mang tính liên ngành; lập Viện quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định về các nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, kiểm định sản phẩm và dịch vụ.
Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá, bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, R&D, lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo.
Trong đó Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế cho mô hình “đầu tư công – quản trị tư”, bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Năm 2025, năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Ông cũng yêu cầu nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc.
Thủ tục liên quan phải thông thoáng, hấp dẫn, cạnh tranh với quốc tế. Chính phủ cần xây dựng mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo Trung ương; tôn vinh các tài năng và sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, cống hiến của các nhà khoa học.
Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số, chuẩn bị hạ tầng năng lượng cho 5-10 năm tới, với trọng tâm là năng lượng sạch, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển bằng hành động cụ thể. Hạ tầng số và các trạm gốc 5G cần được tối ưu hóa, mở rộng Internet băng thông rộng và phạm vi phủ sóng cáp quang; phát triển hệ thống vệ tinh tầm thấp tốc độ cao; xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, triển khai Luật Dữ liệu và sàn giao dịch dữ liệu.
Cũng trong năm 2025, Ban cán sự đảng Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, bổ sung Quy hoạch điện VIII, khai thác hiệu quả các tiềm năng như điện gió, điện mặt trời, triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo nguồn điện bền vững.
Tổng Bí thư yêu cầu tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, vấn đề của thực tiễn đất nước như sử dụng tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học về sức khỏe con người, các ngành công nghiệp 4.0.
Trong năm 2025, 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh. Bộ ngành địa phương đẩy nhanh kết nối và chia sẻ dữ liệu quan trọng trong các lĩnh vực như dân cư, tư pháp, giáo dục, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, phương tiện…
Lãnh đạo Đảng yêu cầu đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo. “Chúng ta phải biết cách đứng trên vai của những người khổng lồ, thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới”, Tổng Bí thư nêu quan điểm.
Ông nói đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Do đó, cả hệ thống “phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa”.
>> Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tong-bi-thu-khoa-hoc-cong-nghe-la-chia-khoa-vang-de-thinh-vuong-4838608.html