Lượng rác thải sinh hoạt của TP Cần Thơ mỗi ngày khoảng 650 tấn, trong khi công suất xử lý của hai nhà máy chỉ 500 tấn, chưa kể lượng rác tồn đọng gần một triệu tấn.
Chiều đầu năm 2025, dọc theo tuyến tỉnh lộ 922, với khoảng cách 400-700 m phía dưới chiều gió vẫn ngửi thấy mùi hôi thối từ bãi rác ở xã Đông Thắng bốc lên nồng nặc. Trạm y tế, trường mầm non và một trường tiểu học của xã nằm cách bãi rác chưa đầy một km cũng phải chịu cảnh ô nhiễm. Tại bãi rác, ba ống khói cao hàng chục mét của các lò đốt không ngừng xả ra các cuộn khói đặc quện cùng mùi hôi nặng nề.
Bà Mai Thị Đẹp, 66 tuổi, nhà ven tỉnh lộ 922, đối diện bãi rác Đông Thắng cho biết tình trạng ô nhiễm ở đây kéo dài hơn 10 năm qua khiến người dân bức xúc. Bụi từ lò đốt rác rất nhiều, mỗi ngày quét nhà 5-6 lần. Nước rỉ rác nhiều lần tràn ra ngoài làm ảnh hưởng lúa, hoa màu của bà con.
“Có những hôm mùi hôi từ bãi rác nặng quá, gia đình bà đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang”, bà Đẹp nói, cho biết người dân đã nhiều lần phản ánh, ngành chức năng cũng xuống kiểm tra, xử lý, tình hình ô nhiễm chỉ giảm được thời gian ngắn.
Bãi rác xã Đông Thắng hoạt động đầu năm 2010 trên diện tích hơn một ha với khả năng tiếp nhận, xử lý 15 tấn rác mỗi ngày cho huyện Cờ Đỏ. Đến giữa năm 2014, nơi đây được mở rộng thêm 5 ha để tiếp nhận rác thải thêm cho các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền với 300-400 tấn rác mỗi ngày, chủ yếu là chôn lấp.
Cuối năm 2018, khi nhà máy điện rác tại huyện Thới Lai đi vào hoạt động, bãi rác Đông Thắng giảm lượng tiếp nhận, còn khoảng 100 tấn mỗi ngày. Hiện nơi này có tổng diện tích hơn 6 ha, được bố trí 11 ô chôn lấp, 4 ô xử lý nước rỉ rác, cùng 6 lò đốt (trong đó có 3 lò ngừng hoạt động)…
Đến nay, lượng rác chôn lấp tồn đọng chưa xử lý tại bãi rác Đông Thắng khoảng 700.000 tấn và 10.000 tấn rác tạm trữ của quận Ninh Kiều (được đưa về tập kết từ giữa năm 2023 trong khi nhà máy điện rác ở huyện Thới Lai duy tu bảo dưỡng trong khoảng một tháng).
Ông Lê Chí Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết trước thực trạng bãi rác Ðông Thắng đã quá tải, gây ô nhiễm, địa phương đã kiến nghị UBND thành phố xem xét xử lý 700.000 tấn rác chưa được xử lý, đồng thời có hướng giải quyết 10.000 tấn rác của quận Ninh Kiều tạm trữ tại đây.
“Huyện cũng đã nhiều lần phối hợp xử lý để giảm ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân xung quanh bãi rác nhưng chỉ mang tính tạm thời vì không có kinh phí”, ông Phương nói.
TP Cần Thơ hiện có hai nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đó là nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Trung Quốc), quy mô hơn 5 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, tại huyện Thới Lai. Nhà máy có công suất 400 tấn, tiếp nhận rác từ 5 quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Thới Lai, Ô Môn để xử lý.
Đơn vị còn lại là lò đốt rác tại bãi rác ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Minh Thông làm chủ đầu tư có công suất 100 tấn mỗi ngày. Nơi đây đảm nhiệm xử lý rác cho 4 quận huyện gồm: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thốt Nốt.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, lượng rác thải của thành phố khá lớn, với gần 650 tấn mỗi ngày, vượt công suất thiết kế của hai nhà máy xử lý hiện có. Do đó, nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai đang phải tiếp nhận thêm 125 tấn hàng ngày. Còn lò đốt rác tại xã Đông Thắng huyện Cờ Đỏ cũng phải tiếp nhận thêm 20 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, lò này đến cuối năm 2025 phải ngừng hoạt động do hết thời gian quy định theo chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, lượng rác thải sinh hoạt đang tồn đọng tại các bãi chôn lấp trên địa bàn TP Cần Thơ gần một triệu tấn. Trong đó, bãi rác quận Ô Môn tồn hơn 36.000 tấn, bãi rác huyện Cờ Đỏ tồn 700.000 tấn, quận Thốt Nốt 60.000 tấn và bãi rác số 8 ở quận Cái Răng trên 162.000 tấn.
Trước tình hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ đã đề nghị UBND huyện Thới Lai cùng các đơn vị liên quan lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt quy mô 60 ha. Đề xuất này dựa trên cơ sở quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong khi đó, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết đơn vị đã làm việc với đại diện Công ty TNHH Cổ phần Tập đoàn China Gezhouba Group (CGGC), thành viên của Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (CEEC) về đề xuất đầu tư nhà máy đốt rác phát điện.
Doanh nghiệp này mong muốn đầu tư 1.200-1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy có khả năng đốt 400-600 tấn rác mỗi ngày, công suất phát điện 8-10 MW (khoảng 64 triệu kWh mỗi năm). Dự kiến nhà máy xây dựng trong 18 tháng, trên diện tích khoảng 5 ha.
“Thành phố đang yêu cầu nhà đầu tư chứng minh công nghệ xử lý rác, phát điện hiện đại để tiến hành các thủ tục tiếp theo cho dự án sớm triển khai tại huyện Thới Lai”, ông Sơn nói.
An Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/can-tho-qua-tai-xu-ly-rac-thai-4834245.html