Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thúc đẩy ngoại giao bán dẫn, có chính sách visa thuận lợi, phù hợp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn.
Chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn sáng 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Việt Nam có những lợi thế chiến lược về phát triển ngành công nghiệp này. Trữ lượng đất hiếm Việt Nam đứng thứ hai thế giới, nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nguồn nhân lực dồi dào.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập cùng các khu công nghệ cao TP HCM, Hòa Lạc, Đà Nẵng. Nhiều khu công nghiệp là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút vốn FDI của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel…
Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà đầu tư tốt như Viettel, FPT, Phenikaa đang đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn; bắt đầu có các startup tiềm năng về bán dẫn như Infrasen, VnChip, Hyphen Deux.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như NVIDIA, Samsung, Qualcomm, LAM Research, Marvell, Qorvo được mời gọi sang để tìm hiểu môi trường đầu tư, hướng tới mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng cứ điểm tại Việt Nam. Khuôn khổ hợp tác bán dẫn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ được thiết lập.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn rất lớn trong khi cơ chế ưu đãi đặc thù khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo. Cung ứng điện có nơi cũng chưa đảm bảo.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng cơ chế đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Quỹ hỗ trợ đầu tư cần ra đời sớm. Việc chuyển giao công nghệ cần đẩy mạnh hơn nữa để làm chủ công nghệ.
“Tiếp tục thúc đẩy ngoại giao bán dẫn, có chính sách visa thuận lợi, phù hợp; nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói chip; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn”, Thủ tướng nói và lưu ý phát triển lĩnh vực này dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về địa lý, con người, ổn định chính trị.
Thủ tướng lưu ý coi phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện, phải triển khai, đầu tư cho xứng tầm đột phá chiến lược.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao đẩy mạnh Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đặc biệt là phát triển chip chuyên dụng; công nghiệp điện tử.
Bộ Ngoại giao xây dựng Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam. Bộ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo giáo dục, đại học ở nước ngoài, có kế hoạch kết nối hợp tác với Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Công Thương “dứt khoát không để thiếu điện, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”. Bộ Công Thương và Ngoại giao vận động các cơ quan liên quan của Mỹ sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách bị hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ tiên tiến của nước này và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất và triển khai mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao năng lực khoa học công nghệ Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là công nghệ lõi, sản xuất chip chuyên dụng.
Tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc và đường kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) với sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) cần sớm xây dựng.
Việt Nam chưa có phòng chế tạo vi mạch cỡ nhỏ
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết hoạt động thiết kế vi mạch bán dẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, các nghiên cứu thiết kế vi mạch hiện nay tại cơ sở nghiên cứu đang thiếu cả con người và công cụ, phần mềm thiết kế. Việc hỗ trợ của nhà nước thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế về quy mô, chủ yếu nhằm nâng cao năng lực, tạo dựng nền tảng trong thiết kế vi mạch cho các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, chưa thực sự tạo ra được các sản phẩm có tính thương mại.
Trong quá trình nghiên cứu thiết kế vi mạch, các nhà khoa học cần kiểm tra, thử nghiệm đều phải gửi ra nước ngoài, do đó sẽ tốn kém cả tài chính và thời gian. Việt Nam chưa có phòng chế tạo vi mạch cỡ nhỏ (Minimal Fab) hỗ trợ các nhà nghiên cứu. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn với quy mô công nghiệp của doanh nghiệp Việt, chưa nhiều cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về vi mạch, thiết kế vi mạch.
Vì vậy, để đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vi mạch bán dẫn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất cần nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Các cơ quan nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cùng chia sẻ, dùng chung một số cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu; bổ sung hạng mục chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chế tạo, sản xuất sản phẩm bán dẫn, thiết bị điện tử dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới của Việt Nam từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Viện nghiên cứu, đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn. Bộ trưởng Đạt cho rằng cần bố trí nguồn lực nghiên cứu, phát triển thiết bị điện tử với trọng tâm là thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp các chip chuyên dụng, chip AI.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề xuất thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài phục vụ thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn. Đồng thời, cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn.
Vai trò của cơ quan đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài cần nâng cao trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ ngành công nghiệp bán dẫn.
Viết Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-yeu-cau-thuc-day-ngoai-giao-ban-dan-4827834.html