Tại văn bản hỏa tốc ngày 3/8 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký, Bộ Công Thương cho hay trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Chia sẻ với báo chí trước đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát tình hình thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp cân đối cung cầu. Bộ cũng đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo mà họ đã xuất trong 6 tháng trước đó. Trường hợp hụt cung, sẽ có biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết, gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn không điều chỉnh giá, bán thấp hơn thị trường 5-10%. Trường hợp có bất thường, doanh nghiệp muốn điều chỉnh phải xin Sở Tài chính, chỉ thay đổi trong khoảng 5-10%. Với những khu vực sức mua tăng, các doanh nghiệp cung ứng phải cân đối và tăng cung để tránh giá leo thang.
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo ngày 4/8/2023 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100 – 200 đồng/kg với nhiều chủng loại lúa.
Theo đó, tại kho An Giang hôm nay, giá lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800 – 7.200 đồng/kg; OM 18 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.900 – 7.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) ở mức 6.500 – 6.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.700 – 7.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg;
Với các chủng loại còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900 – 7.100 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, giá nếp An Giang tươi ở mức 6.300 – 6.600 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 – 7.900 đồng/kg.
Với mức giá này, hiện giá lúa tại khu vực đã tăng 100 – 300 đồng/kg so với tuần trước, tăng 400 – 700 đồng/kg so với tháng trước và tăng 400 – 1.600 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu gạo, đề nghị báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Các thương nhân được yêu cầu chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu và trao đổi với VFA, nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp.
Văn bản cũng nhắc lại yêu cầu trước đó đối với các thương nhân xuất khẩu gạo là thực hiện nghiêm túc nội dung duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107/2018.