Trước khi được biết đến với vai trò là đồng Trưởng ban tổ chức WSDC Việt Nam 2023 – Giải Vô địch tranh biện Thế giới cấp Trung học, Vũ Anh Tuấn (VAT) từng là một thí sinh, một HLV tranh biện sở hữu nhiều thành tích nhất Việt Nam. Bằng niềm đam mê và những kinh nghiệm thực chiến trên các sàn đấu thế giới, chàng trai trẻ đã “trải đường” cho bộ môn tranh biện chuẩn thế giới về với Việt Nam. Không những thế, anh còn được rất nhiều các cuộc thi tranh biện lớn trên thế giới “chọn mặt gửi vàng” làm giám khảo cũng như thành viên ban tổ chức.
Là người sáng lập nên cộng đồng Tranh biện Việt Nam, suốt 10 năm qua, Vũ Anh Tuấn vẫn luôn miệt mài với hành trình lan tỏa tình yêu tranh biện đến với mọi người, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Cơ duyên nào đưa anh với đến với bộ môn tranh biện?
Tình yêu với tranh biện của tôi bắt nguồn từ những năm tháng cấp 3, khi được tham gia một số cuộc thi tranh biện tại trường Amsterdam. Thời điểm đấy, tranh biện với tôi là bộ môn khá thú vị và lạ so với tất cả những bộ môn khác. Trước đó, học sinh ít được lên tiếng bày tỏ và thể hiện quan điểm của mình, do đó, khi tranh biện cho chúng tôi cơ hội được nói lên tiếng nói cá nhân, thể hiện sự khác lạ của mình thì tôi đã bị hấp dẫn và bắt đầu gắn bó với bộ môn này từ đấy.
Sau này khi lên đại học, tôi được thử sức mình ở những cuộc thi tầm cỡ hơn. Không chỉ tham gia các giải tranh biện ở Việt Nam, tôi còn được trao cơ hội đi thi đấu ở nước ngoài. Những chiến thắng và thất bại từ những lần “chinh chiến” đó cứ thế nuôi lớn niềm đam mê của tôi, khiến tôi càng muốn tìm hiểu sâu và cống hiến nhiều hơn cho bộ môn này.
“Càn quét” các giải tranh biện ở trong nước và quốc tế, “thất bại” nào khiến anh nhớ nhất?
Thất bại đáng nhớ nhất có lẽ là lần đầu tiên tôi tham gia giải vô địch châu Á vào năm 2016. Năm ấy tôi học ngành quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao và thua ngay ở vòng thi tưởng chừng như là thế mạnh của mình. Khi nhận kết quả, tôi đã rất ngạc nhiên. Bởi lẽ không chỉ “trúng tủ”, chúng tôi còn tung ra rất nhiều kiến thức thú vị tại trận đấu tranh biện đấy.
Lần đó thi đấu muộn nhưng vì rất bức xúc với kết quả nên sau trận đấu, tôi cùng đồng đội đã “bám” theo ban giám khảo đến tận 9h tối chỉ để hỏi là tại sao chúng tôi thua cuộc. Cũng nhờ câu trả lời của ban giám khảo mà tôi phát hiện ra lỗ hổng của mình. Hóa ra trong tranh biện, biết nhiều thứ vẫn là chưa đủ mà còn cần phải biết cách sử dụng, vận dụng kiến thức sao cho hợp lý để nó trở thành điểm mạnh, ưu thế của mình khi đối đầu với các đối thủ.
Quan trọng hơn cả, lần thất bại đấy dường như chạm đến sự kiêu hãnh của tôi. Bản thân tôi vốn là người thích làm những cái khó, vì thế nên lần thua cuộc đó như một thách thức khiến tôi muốn chinh phục bộ môn này bằng được.
Thất bại đó có phải là động lực để anh xây dựng một cộng đồng tranh biện ở Việt Nam, cụ thể là Gấu Debate?
Quả thực, thất bại đó giúp tôi nhận ra cách tư duy, cách lập luận của bộ môn này ở nước ngoài rất khác so với format mà tôi và các bạn trẻ ngày ấy được tiếp cận ở Việt Nam. Do đó, tôi mới quyết định mang một cái format chuẩn ở nước ngoài về với sân nhà để cộng đồng tranh biện ở Việt Nam có một nền móng vững chắc hơn.
Dẫu vậy, đó cũng chỉ là một trong những điều thôi thúc tôi xây dựng cộng đồng tranh biện. Còn động lực lớn hơn chính là cũng ở trong sự kiện lần đó, khi được xem trận chung kết giữa hai đội rất mạnh, trong đấy có đội chủ nhà Indonesia, tôi đã được truyền cảm hứng và nghĩ mình phải làm một cái gì đấy tương tự như thế cho đất nước mình. Và rồi vào năm 2018, Gấu Debate – một tổ chức, sân chơi cho các bạn trẻ có niềm đam mê với bộ môn này ra đời.
Lúc mới thành lập cộng đồng tranh biện, anh có gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi mọi người tham gia và phát triển nó không?
Khó khăn gặp phải thì rất nhiều. Đầu tiên là việc bộ môn tranh biện ở Việt Nam lúc bấy giờ vẫn còn “sơ khai”, khá mới mẻ, chưa có tài liệu và format chuẩn. Do đó, việc nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận và kiên trì theo đuổi bộ môn này là rất khó.
Khó khăn thứ hai chính là việc thuyết phục các bậc phụ huynh cho con em theo học bộ môn này. Bởi trên thực tế, phụ huynh Việt Nam khá là khó tính, họ vẫn ưu tiên việc con mình học giỏi toán, anh, văn ở trên lớp nhiều hơn là tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hơn nữa, đây là bộ môn mới, nhiều phụ huynh lớn tuổi chưa hiểu rõ nên khi nghe đến tranh biện, họ khá là gay gắt và cho rằng tranh biện là cãi nhau, sẽ khiến cho con mình trở nên cực đoan hơn.
Khi đó, tôi đã phải nói chuyện và thuyết phục những phụ huynh đó rất nhiều để họ hiểu được rằng học tranh biện thực tế là học về tư duy, về cách lập luận, về cách suy nghĩ độc lập chứ không phải cứ “cãi nhau là trở thành tranh biện”.
Bên cạnh đó, tôi cũng đồng hành cùng các em học sinh trong việc vừa thi tranh biện, vừa đảm bảo kết quả học tập để chứng minh cho bố mẹ các em thấy học tranh biện sẽ không ảnh hưởng gì đến thành tích học tập. Thậm chí, nó còn giúp thành tích của các em tốt hơn bởi có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng lập luận, tư duy vào các môn học khác.
Tôi cũng biết rằng để giải thích cho mọi người hiểu thôi là rất khó, chỉ có dùng hành động, dùng thành quả mới có thể chứng minh và phá vỡ những định kiến cố hữu trong họ về bộ môn này. Bởi vậy nên sau bao nhiêu cố gắng của cả thầy và trò, giây phút mà các bậc phụ huynh hiểu và cho phép con em học bộ môn tranh biện, tôi vui sướng vì những rào cản vô hình đã bị phá bỏ, các em sẽ được tiếp tục với bộ môn mà mình đam mê.
Ở Việt Nam, không chỉ riêng các bậc phụ huynh mà đại bộ phận những người chưa từng học và thi tranh biện thường vẫn còn nhiều ái ngại với bộ môn này với một số định kiến như: Tranh biện là “cãi lộn” để thắng? Tranh biện chỉ dành cho người hướng ngoại? Anh nghĩ sao về những quan điểm này?
Thực ra tôi nghĩ bản thân tranh biện chính là một bộ môn để phá bỏ ý kiến, định kiến.
Bản chất của Tranh biện chính là buộc chúng ta phải đứng trên nhiều góc độ để phân tích một vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau, thậm chí phải tư duy theo quan điểm mà trước đó chúng ta chưa từng tin vào. Từ đó sẽ thuyết phục mọi người phá bỏ những lối mòn tư duy, phá bỏ định kiến về những vấn đề nhức nhối của xã hội, liên quan đến kinh tế – chính trị – văn hóa…
Từ những trải nghiệm học sinh có được qua bộ môn Tranh biện, các bạn ấy sẽ hình thành nhân sinh quan của bản thân, biết nhận định Đúng – Sai, biết ứng xử và trưởng thành trong hạnh phúc.
Dẫu vậy, tôi hiểu không phải ai cũng sẵn sàng xóa bỏ những tư duy cố hữu, chấp nhận những thay đổi của thời đại. Không tránh khỏi đôi lúc chạnh lòng, tôi vừa buồn, vừa xót vì những định kiến của xã hội dành cho tranh biện vẫn còn nhiều và các em học sinh theo đuổi bộ môn này là người phải đối mặt với những điều đó.
Tuy nhiên, tôi tập trung vào sứ mệnh của mình là mỗi ngày cố gắng một chút để mọi người hiểu đúng về Tranh biện, để cộng đồng Tranh biện ngày một phát triển & các em học sinh được thỏa sức với đam mê của mình.
Từng là thí sinh tham gia tranh biện trở thành người thầy, người tổ chức và ban giám khảo các cuộc thi tranh biện, cảm giác của anh khi đứng ở các vai trò khác nhau thay đổi như thế nào?
Thực ra ở mỗi vị trí khác nhau, tôi lại có một cảm xúc khác nhau. Khi còn là thí sinh, tôi còn trẻ và mang trong mình sự hiếu thắng nên lần chinh chiến nào cũng muốn chiến thắng, muốn mình là người mạnh nhất. Tuy nhiên khi đã là người thầy truyền lửa và giảng dạy, tổ chức các cuộc thi tranh biện thì trong tôi đã có sự chín chắn, trưởng thành hơn. Từ mong muốn anh em, học trò của mình thắng thì dần dần, chỉ cần nhìn thấy niềm vui, sự thành công của các em học sinh là tôi đã cảm thấy rất vui rồi.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh là nhà sáng lập của bao nhiêu tổ chức?
Trong hành trình phát triển cộng đồng tranh biện của mình, tôi đã lập ra cũng như đã hỗ trợ thành lập rất là nhiều tổ chức câu lạc bộ tranh biện. Trong đó có 3 tổ chức hay câu lạc bộ mà tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất. Đầu tiên là Gấu debate – nơi tôi tổ chức rất nhiều các hoạt động tranh biện cho các bạn học sinh, sinh viên, đưa các bạn đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa để đào tạo và dạy tranh biện, hay thậm chí là đào tạo ra các bạn tranh biện viên đạt chuẩn quốc tế.
Thứ hai là Vietnam Debate Association (VDA). Đây là nơi tôi quản lý đội tuyển tranh biện Quốc gia Việt Nam và đồng hành cùng đội tuyển WSDC Việt Nam tại các giải vô địch thế giới.
Tổ chức thứ ba là nơi mà tôi sẽ gắn bó nhiều thời gian nhất trong tương lai. Đấy chính là Học viện tranh biện, hùng biện Việt Nam (VADP). VADP đối với tôi không chỉ là nơi đào tạo ra các tranh điện viên chuẩn quốc tế, nơi thực hiện giấc mơ tranh biện mà đó còn là nơi tôi đặt niềm tin sẽ chắp cánh cho tài năng trẻ của Việt Nam, đào tạo ra những đi Debater xuất sắc nhất của Việt Nam trong tương lai.
Là người đặt nền móng cho bộ môn tranh biện tại Việt Nam dù còn rất trẻ tuổi, có bao giờ anh cảm thấy áp lực khi gánh vác “trọng trách” này hay không ?
Thực ra, có rất nhiều lần tôi cũng cảm thấy những thứ mình đang làm vượt quá khả năng của bản thân. Đấy là sự thật! Thế nhưng vì tôi thích làm những cái khó nên cứ tiếp tục cố gắng thôi.
Tôi luôn tâm khảm quan điểm: Mình chỉ hối hận vì những điều mình không làm, bởi vậy tôi cứ cố gắng hết sức mình để sau này khi nhìn lại quá khứ, tôi sẽ không nuối tiếc bất cứ điều gì!
26 tuổi là Founder của nhiều tổ chức về tranh biện. Tuổi tác có bao giờ là một thách thức đối với anh khi “lãnh đạo” một cộng đồng đại diện cho tầm vóc nước nhà?
Tôi nghĩ là có và không có.
Bởi bản chất của tranh biện là tinh thần luôn mới mẻ để tiếp nhận nhiều kiến thức và cập nhật xu hướng thời đại, bạn trông bao nhiêu tuổi không quan trọng, quan trọng là kiến thức và sự hiểu biết của bạn như thế nào!
Làm việc với cả người trẻ và cả những Thầy cô giáo các trường học trên toàn quốc, với rất nhiều phụ huynh và các doanh nghiệp có lịch sử lâu đời, tôi luôn tâm niệm: Ai cũng là giáo viên của mình để tôn trọng và cầu thị.
Với những gì đã và đang làm được cho cộng đồng tranh biện Việt Nam, anh có nghĩ đó là thành công không ?
Tôi nghĩ thành công là cái khó định nghĩa. Tôi chỉ nghĩ rằng mình cần làm tốt nhất có thể để mang tranh biện về và giúp các em học sinh đạt được những kỹ năng, những thành tích & thành công trên chặng đường các em đang bước.
Từ đâu anh có ý tưởng mang cuộc thi tranh biện lớn nhất thế giới về Việt Nam?
Trước đây, tôi chỉ đơn giản là muốn mang một format chuẩn của tranh biện về Việt Nam để các bạn học sinh có thể phát triển bộ môn này. Thế nhưng dần dần, tôi cảm thấy bản thân có trách nhiệm với cả cộng đồng tranh biện thế giới. Do đó, sau 3 năm tổ chức online vì dịch bệnh, tôi muốn tổ chức một sự kiện đánh dấu bước trở lại của tranh biện đối với thế giới, cũng là mang tranh biện thực sự về với Việt Nam. Năm 2023 này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức giải đấu WSDC – Giải vô địch tranh biện Thế giới bậc Trung Học sau dịch Covid-19.
Là trưởng Ban tổ chức của giải – mắt xích ở giữa, kết nối những học sinh xuất chúng nhất, các đơn vị đồng hành và khách mời, anh có gặp khó khăn trong việc tổng hòa tất cả lại với nhau để tạo nên một giải đấu thành công hay không?
Tổ chức các cuộc thi quốc tế thật sự là nhiều khó khăn hơn các cuộc thi trong nước. Đặc biệt, WSDC 3 năm trước đây đều là thi online, năm nay hình thức thi offline mới quay trở lại nên việc tổ chức sự kiện này lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất có lẽ là đảm bảo tất cả mọi người đều được quan tâm, chăm sóc tận tình và họ thấu hiểu và hòa hợp để đạt được mục đích của mình, để win-win ở trong các mối quan hệ tại WSDC Việt Nam 2023
Các thí sinh quốc tế họ đa dạng về sắc tộc, quốc gia, châu lục, tôn giáo. Sự đa dạng này dẫn đến rất nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị, từ việc xin visa, di chuyển rồi lo chỗ ăn, chỗ ngủ tại Việt Nam. Ban tổ chức phải để tâm đến những chi tiết nhỏ nhất như việc các thí sinh ở nhóm sắc tộc này, nhóm tôn giáo này sẽ có đồ ăn khác như thế nào so với những nhóm khác. Tôi cùng các cộng sự đều rất nỗ lực chu toàn tất cả, để không một ai bị bỏ lại trong sự kiện lần này.
Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện WSDC với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, do đó, khi khối lượng giao tiếp quá lớn mà mình không thể ở giữa mọi lúc, mọi nơi thì có thể dẫn đến việc mất kết nối giữa các bên. Do đó, tôi cũng luôn cố gắng là điểm kết nối ở giữa, luôn tham gia các cuộc họp, các phần thảo luận và cân bằng giữa các bên nhằm đảm bảo rằng tiếng nói và nguyện vọng của các bên đều được lắng nghe và đáp ứng. Từ đó giúp sự kiện được thông suốt và diễn ra một cách tốt đẹp nhất.
Theo anh, học sinh Việt Nam có ưu và nhược điểm gì khi tham gia giải đấu quốc tế?
Học sinh Việt Nam không hề thua kém bạn bè quốc tế về kiến thức hay chuyên môn. Trở ngại lớn nhất của các bạn chính là vấn đề tâm lý. Bởi trên thực tế, bộ môn tranh biện với học sinh Việt Nam còn rất mới, do đó khi tham gia cộng đồng quốc tế sẽ thiếu đi tính dạn dĩ, thuộc tính va chạm nên sẽ rụt rè và gặp nhiều áp lực hơn trong các trận đấu. Do đó, để các bạn học sinh có thể tự tin 100% khi chinh chiến ở quốc tế là điều rất khó ở hiện tại. Đội tuyển tranh biện Việt Nam vẫn cố gắng đi từng bước một và thắng từng trận một.
Tranh biện là một bộ môn “kén” người và khó tiếp cận. Anh có ấp ủ kế hoạch gì để phát triển hơn nữa cộng đồng tranh biện Việt Nam trong tương lai không?
Đúng như bạn nhận định, đây là bộ môn học thuật thật sự “kén” và khó tiếp cận. Bởi, đầu tiên phải kể đến năng lực ngôn ngữ, môn học này sử dụng hoàn toàn bằng Tiếng Anh, tiếp đó là sự đa dạng về luật thi & chủ đề thi đấu..Điều này đồng nghĩa với việc, học viên Tranh biện cần phải đầu tư về thời gian, công sức và kinh tế để theo học lâu bền, từ đó đạt được những thành công trong Tranh biện.
Nhìn nhận ra được những “cái khó” của bộ môn này tại Việt Nam, tôi định hướng sẽ là cầu nối mang những cuộc thi, chương trình chuẩn quốc tế về Việt Nam, nhằm thúc đẩy và đồng hành cùng các bạn học sinh tại Việt Nam có cơ hội được cọ xát, giao lưu nhằm phát triển các kĩ năng, kiến thức cần thiết cho bộ môn học thuật này.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn sẽ đào tạo các thế hệ Tranh biện xuất sắc tại Việt Nam sau khi thành công trên các đấu trường quốc tế sẽ quay lại để chia sẻ, đào tạo những thế hệ kế cận.
Không dừng lại ở đó, tôi đã và đang là người kết nối với các Chuyên gia Tranh biện hàng đầu thế giới để chia sẻ và giảng dạy cho thế hệ học sinh Việt Nam yêu thích bộ môn Tranh biện này.
Cảm ơn anh!