Nhân lực ngành ô tô hấp dẫn: Từ cơ hội việc làm tới mức thu nhập
Trong thời điểm hiện nay, nhu cầu mua ô tô ngày càng lớn, doanh nghiệp liên tục mở rộng quy mô sản xuất. Chính điều này đã dự báo về một tương lai mà nhân lực ngành ô tô sẽ ngày càng “đắt giá”. Cùng với đó, trong sự phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ, môi trường công việc cũng đang ngày càng thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Nhiều nhà sản xuất không ngừng tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo thống kê dữ liệu dựa trên 225 mẫu việc làm trên VietnamWorks, mức thu nhập trung bình của một kỹ sư ô tô đang là 517 USD/tháng, tương đương 12,2 triệu VNĐ. Một số vị trí tương tự khác như kỹ sư công nghệ có mức lương lên tới 22,5 triệu VNĐ. Nhiều doanh nghiệp lớn còn sẵn sàng chi lương từ 2.000 – 2.800 USD (tương đương 47 – 67 triệu VNĐ) để hấp dẫn nhân tài.
Mức lương cho vị trí Kỹ sư ô tô. Nguồn: VietnamWorks
Do đó, không mấy ngạc nhiên khi nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp săn đón từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong vài năm gần đây, điểm chuẩn ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô luôn nằm top cao ở các trường đại học và thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật ô tô lấy 26,41 điểm vào năm 2022. Điểm chuẩn ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử ô tô tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2022 cũng lấy 23,55 điểm.
TS Lê Danh Quang, Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội thông tin, cho biết: “Ngành Công nghệ ô tô đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây và dự kiến thời gian tới còn ‘hot’ hơn nữa khi lượng người dân sử dụng ô tô ngày càng nhiều.”
Ảnh minh họa: Internet
Còn theo PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dùng, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành ô tô hiện nay được đánh giá có nhu cầu về nhân sự lớn, được coi là một trong những ngành “hot” nhất của trường trong 5 năm gần đây. Điểm chuẩn của ngành cũng tăng lên theo lượng thí sinh tăng mạnh.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, công nghệ ô tô là ngành luôn có thu nhập cao và nằm trong nhóm “khát nhân lực”. Từ đó, kéo theo nhu cầu tuyển dụng của ngành sẽ ngày một gia tăng, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đây là ngành hứa hẹn dành cho cả nam giới và nữ giới.
Học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô làm gì sau khi tốt nghiệp?
Ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi những kỹ năng nghề nghiệp khác nhau, tùy thuộc từng vị trí làm việc. Có người chỉ thao tác với máy móc, thiết bị; có người cần tư duy sáng tạo, có người cần hội tụ cả hai yếu tố… Do vậy, các bạn sinh viên khi theo học ngành ô tô phải xác định rất rõ ràng mình có thiên hướng gì.
Theo TS Lê Danh Quang, sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí như Kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô, máy động lực tại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng ô tô; kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô tô; Nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô…
Do ô tô đang trở thành phương tiện thông dụng và được ưa chuộng ở hầu khắp các nước trên thế giới, nhu cầu nhân lực cho tất cả quá trình này đều cần tăng lên. Đặc biệt, thị trường luôn đòi hỏi các chuyên gia và kỹ sư công nghệ ô tô có trình độ kỹ thuật cao để đảm nhận các vị trí quan trọng.
Để giúp sinh viên ngành ô tô được rèn luyện, nâng cao tay nghề, đồng thời mở rộng cơ hội nghề nghiệp, các trường đại học đào tạo chuyên ngành này đều tạo điều kiện để thực hành kỹ năng, áp dụng lý thuyết vào thực tế tại xưởng ô tô được đầu tư quy mô, hiện đại ngay tại trường.
Đồng thời, để chủ động về nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp còn hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo; tuyển dụng chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp điện tử. Đây là cơ hội tuyệt vời để sinh viên nâng cao kiến thức, gia tăng năng lực của bản thân.
Ảnh minh họa: Internet
Nhiều người dù chưa tốt nghiệp đã có cơ hội được tham gia thực tập tại các xưởng lắp ráp ô tô, xưởng sản xuất phụ tùng, trung tâm bảo dưỡng, showroom… lớn trên cả nước. Do vậy, sinh viên ra trường có thể áp dụng được ngay những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao và các kỹ năng kỹ thuật vào công việc của mình.
Đặc biệt sinh viên còn được chú trọng đào tạo kỹ năng tiếng Anh để có thể dễ dàng tiếp xúc với những tài liệu tham khảo của nước ngoài về chuyên ngành mình học, từ đó tăng thêm cơ hội và năng lực của bản thân để đảm đương công việc của người kỹ sư công nghệ ô tô, nhà quản lý, nhà kinh doanh, những chuyên gia giỏi về dịch vụ ô tô, cơ khí, chế tạo ô tô…
Có thể thấy, đây là ngành học với mức thu nhập hấp dẫn, nhiều cơ hội thăng tiến và khẳng định bản thân trong nền kinh tế hiện đại.
Nên học Kỹ thuật ô tô ở đâu?
Với nhóm ngành Kỹ thuật Ô tô, các bạn nên lựa chọn học tại những trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên về khối nghề công nghệ – kỹ thuật. Trong đó, những ngôi trường trọng điểm có đào tạo ngành ô tô dành cho thí sinh quan tâm là:
Đối với hệ đại học:
Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Giao thông vận tải Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng…
Đối với hệ cao đẳng:
Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội; Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội; Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn…
(Tổng hợp)