-
Nội dung chính:
-
Các công ty phi tài chính tăng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn lên mức 25 tỷ USD – tăng 7% so với đầu năm.
-
Dòng tiền của doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang các kỳ hạn ngắn hạn để hưởng lãi suất cao.
-
Lãi tiền gửi đang đóng góp tỷ trọng cao hơn vào lợi nhuận nửa đầu năm.
Trong khi khu vực tổ chức kinh tế nói chung đã giảm số tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (5 tháng giảm 3,54% – theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước), các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán đã gia tăng lượng tiền này trong nửa đầu năm.
Nhờ mặt bằng lãi suất cao hơn đáng kể so với cùng kỳ, kênh ngân hàng trở thành “nơi trú ẩn” mới cho dòng tiền của các doanh nghiệp dồi dào tiền mặt.
Dồn dập gửi ngân hàng
Dữ liệu mới nhất từ FiinPro của hơn 800 công ty phi tài chính (trừ bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán) trên sàn chứng khoán ghi nhận tổng lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức hơn 595.900 tỷ đồng (hơn 25 tỷ USD) vào cuối quý II. Con số này cao hơn gần 7% (tức tăng thêm gần 38.800 tỷ) so với thời điểm đầu năm.
Cơ cấu có sự khác biệt khi lượng tiền và tương đương tiền lại chứng kiến mức giảm gần 8% về gần 215.600 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng vọt 17% lên hơn 380.300 tỷ đồng.
Thông thường, số dư tiền và tương đương tiền (chủ yếu là tiền đang chuyển và tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp, gần sát mức 0%) của doanh nghiệp niêm yết được duy trì để đảm bảo tính thanh khoản và dòng chảy vốn lưu động, không ưu tiên cho mục đích sinh lời.
Trong môi trường lãi suất cao khi nhiều ngân hàng huy động lãi suất đến 9-12%/năm, các doanh nghiệp đã hạn chế các khoản tiền không sinh lãi, và chuyển dịch sang các khoản tiền gửi ngắn hạn.
Số dư đầu tư tài chính ngắn hạn theo đó chứng kiến mức tăng mạnh nhằm hưởng mức lợi tức cao hơn. Đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp niêm yết chủ yếu nằm dưới dạng tiền gửi ngắn hạn (3-12 tháng), và một phần nhỏ là các tài sản rủi ro như chứng khoán và trái phiếu…
Lãi tiền gửi tăng mạnh trong nửa đầu năm là đóng góp đáng kể cho nhiều doanh nghiệp trong kỳ kinh doanh vừa qua, nhất là trong bối cảnh lợi nhuận khối doanh nghiệp trên chứng kiến mức giảm hơn hai chữ số (gần 38% – theo dữ liệu từ FiinPro)
PV Gas “giàu tiền” nhất
Trong danh sách các công ty niêm yết sở hữu quy mô tiền và tiền gửi ngắn hạn cao nhất, Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) là đơn vị nổi bật nhất khi có tổng số dư lên tới 40.767 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD), tăng khoảng 3.900 tỷ so với cuối quý I và tăng gần 6.400 tỷ so với thời điểm đầu năm. PV Gas được gọi tên là “vua tiền mặt” với lượng tiền luôn dồi dào suốt nhiều năm.
Lượng tiền có tính thanh khoản cao này cũng là khoản mục lớn nhất chiếm đến 46% tổng tài sản của PV Gas. Chỉ riêng các khoản tiền gửi ngày đã mang về cho tổng công ty mức lãi hơn 1.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và đóng góp khoảng 1/8 tổng lợi nhuận trước thuế.
Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) xếp ngay phía sau khi sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn hơn 36.100 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), cao hơn 4% so với thời điểm đầu năm. Các số dư đem về hơn 1.100 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm, tức tăng thêm hơn 200 tỷ so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng ghi nhận con số đi vay nợ khủng hơn 60.600 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án mới. Tiền lãi vay trong nửa đầu năm đã chi là trên 2.000 tỷ đồng, cao gấp rưỡi cùng kỳ.
Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) vẫn góp mặt trong top 3 khi số dư tiền thanh khoản cao trên đạt khoảng 31.275 tỷ đồng, dù quy mô đã giảm hơn 1.700 tỷ so với thời điểm đầu năm. Lãi tiền gửi ghi nhận hơn 828 tỷ đồng từ đầu năm.
Bốn đơn vị khác là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Petrolimex, Tập đoàn FPT và Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) chứng kiến mức tăng quy mô tiền vượt trội trong thời gian qua, theo đó lọt vào nhóm những doanh nghiệp sở hữu “quỹ tiền tỷ USD”.
Trong đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn có số dư tăng trưởng 17% lên gần 29.230 tỷ đồng, qua đó mang về hơn 762 tỷ đồng tiền lãi cho công ty dầu khí trong nửa đầu năm. Petrolimex có số dư tăng vọt 45% lên mức kỷ lục 27.166 tỷ đồng.
Tập đoàn FPT ghi nhận số tiền thanh khoản cao ở mức 26.685 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm và chiếm khoảng 44% tổng tài sản của tập đoàn. Còn MWG tích lũy nhanh nhất khi đạt 24.420 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm khi ngành bán lẻ nhiều khó khăn.
Một số doanh nghiệp lớn khác cũng có quỹ tiền mặt đáng chú ý như Vinamilk và Sabeco đều có số dư hơn 20.000 tỷ đồng. Các đơn vị VEAM Corp, Viettel Global, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Đạm Cà Mau, PTSC, Masan cũng có núi tiền hơn 10.000 tỷ đồng…