Tính đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp (DN) niêm yết trong mảng bất động sản đã công bố BCTC quý 2/2023. Không khó hiểu khi bức tranh tổng quan khá kém sắc, đặc biệt nhóm bất động sản thương mại dân dụng đồng loạt báo giảm lợi nhuận.
Bức tranh chung kém sắc
Được chú ý nhiều nhất, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 1.040 tỷ đồng, tăng 72% trong quý 2/2023. Dù vậy, áp lực chi phí khiến Công ty lỗ 201 tỷ đồng. Cùng với khoảng lỗ sau thuế 377 tỷ đồng quý đầu năm, luỹ kế 6 tháng Novaland lỗ gần 600 tỷ đồng.
Nói về kết quả này, Novaland cho biết đang tiếp tục trong quá trình tái cấu trúc. Song song, Công ty cũng tập trung phát triển và bàn giao theo đúng cam kết với người mua nhà các dự án Saigon Royal Residence, Grand Manhattan, Palm City, Aqua City, Aqua Riverside City và Aqua Waterfront City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm. Dự kiến từ quý 3-4 năm nay, Công ty sẽ có lãi sau thuế trở lại với con số lần lượt là 310 tỷ và 515 tỷ đồng.
Dù thua lỗ, cổ phiếu NVL trên thị trường những phiên gần đây tăng mạnh. Động lực từ những điểm sáng của loạt dự án trọng điểm dần được tháo gỡ pháp lý, rục rịch tái khởi động. Novaland cũng liên tục công bố thoả thuận được việc gia hạn/hoán đổi tài sản các lô trái phiếu với đối tác.
Là 1 trong 2 cổ phiếu liên tục bị giải chấp do áp lực trái phiếu, CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng đã công bố chỉ tiêu kinh doanh quý 2/2023. Trái ngược với Novaland, dù doanh thu giảm mạnh song nhờ khoản lãi chuyển nhượng công ty con giúp Phát Đạt lãi 276 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước, song tăng gấp 12,5 lần so với quý trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PDR đạt hơn 197 tỷ đồng và lãi ròng đạt gần 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 87% và 57% so với bán niên 2022. So với kế hoạch năm nay, 6 tháng Phát Đạt đã thực hiện được 47% kế hoạch lợi nhuận.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Phát Đạt nhấn mạnh Công ty đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong đó, Phát Đạt đã chốt được phương án phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, số tiền thu về nhằm thanh toán dự nợ trái phiếu Công ty.
Bộ đôi nhà Tập đoàn Đất Xanh cùng báo lãi ròng giảm sâu. Trong đó, Đất Xanh (DXG) trong quý 2/2023 ghi nhận doanh thu giảm 54% so với cùng kỳ, xuống 714 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, Công ty lãi sau thuế 157 tỷ, giảm 40% so với quý 2/2022. Dù vậy, đây là thông tin tương đối tích cực sau khi Công ty vừa báo lỗ ròng trong quý 1 liền trước. Luỹ kế 6 tháng, Đất Xanh lãi sau thuế 40 tỷ – giảm 94% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DatXanh Services, DXS) cũng giảm 49% doanh thu trong quý 2/2023, theo đó thua lỗ gần 19 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu Công ty đạt 991 tỷ, lỗ gần 58 tỷ đồng.
2023 dự kiến là năm lợi nhuận thấp kỷ lục của DatXanh Services, khi Công ty sẽ phải trích lập dự phòng. Cùng với đó, sản phẩm của Công ty tại các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội đang bị tắc pháp lý, ảnh hưởng đến lượng hàng để bán… do đó sẽ ảnh hưởng đến bức tranh kinh doanh 2023.
Cổ phiếu bất động sản hút tiền, “nỗ lực” xanh cho tương lai?
Kinh doanh khó khăn, song cũng là giai đoạn huy động nguồn lực để chuẩn bị khi thị trường phục hồi, HĐQT Đất Xanh đã thông qua kế hoạch phát hành gần 168 triệu cổ phiếu giá 12.000-15.000 đồng, nâng vốn điều lệ lên gần 7.800 tỷ đồng. Song song, Đất Xanh Services cũng muốn triển khai phát hành 121 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.
Giảm lãi là tình hình chung trong 6 tháng của các doanh nghiệp bất động sản, TTC Land dù tiếp tục có lãi mỏng trở lại trong quý 2/2023 song vẫn giảm đến 94% so với cùng kỳ, tương tự Đầu tư LDG báo lỗ 74 tỷ khi doanh thu cả quý chỉ còn vỏn vẹn 300 triệu đồng….
Dù kém sắc, song đó là câu chuyện của nửa đầu năm 2023. Nửa cuối năm, tình hình đang dần dễ thở và nhà đầu tư có niềm tin trở lại. Cùng loạt kế hoạch huy động vốn, cổ phiếu bất động sản đang trở thành tâm điểm hút dòng tiền trên TTCK.
Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố có đánh giá: “Lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây, các chủ đầu tư dự án thể hiện rõ thiện chí bán hàng với hàng loạt các chính sách kích cầu hấp dẫn như chiết khấu, khuyến mại, hỗ trợ lãi suất trong thời gian dài, đặc biệt là nhận nhà sớm và kéo dài thời gian thanh toán”. Đặc biệt, các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, mức giá dưới 3 tỷ đồng, đã ghi nhận giao dịch trở lại với mức giá tăng nhẹ so với quý 1/2023. Hiệp hội nhấn mạnh, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các khách hàng có sẵn dòng tiền cần mua bất động sản có mục đích ở thật và đầu tư trong dài hạn.
Hơn nữa, các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ đã phát huy tác dụng “động viên”, “khích lệ”, “trấn an tinh thần” cho các chủ thể tham gia thị trường. Theo đó, thị trường dự kiến sẽ dần ấm lên từ nửa cuối năm 2023.
Một vài bên “lội ngược dòng”
Trở lại với bức tranh quý 2/2023, vẫn có một vài đơn vị “lội ngược dòng” như anh lớn CTCP Vinhomes (VHM). BCTC quý 2/2023 Công ty ghi nhận doanh thu thuần 32.833 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 9.652 tỷ đồng, lần lượt gấp 7,3 lần và gần 14,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu thuần 6 tháng của Vinhomes đạt 62.100 tỷ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2. Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 75.578 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 76% kế hoạch năm 2023.
Hay CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), Nam Long đạt doanh thu 1.188 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 128 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Phần doanh thu này ghi nhận chính từ bán sản phẩm tại dự án Southgate (Long An) và một số dự án khác.
Đây là 2 công ty tăng trưởng dù lợi nhuận hoàn toàn từ hoạt động cốt lõi là bàn giao dự án.