CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) công bố thông tin về việc nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Toà án Nhân dân Tp.HCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nguyên đơn là Xây dựng Ricons.
Phía Coteccons cho biết có sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, liên quan đến các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khỏan phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai Công ty.
“Chúng tôi đã từng được ví như là công ty mẹ để nuôi sống những thành viên khác lớn mạnh, điều này đã dẫn đến sự tranh chấp của chính nội bộ và mâu thuẫn lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư. Đây cũng chính là giai đoạn mà các hợp đồng kinh tế giao dịch tại các công trình xây dựng giữa các công ty thành viên được hình thành, gọi tắt là công nợ”, đại diện Coteccons nói với Tuổi trẻ Online.
Phía Ricons thì cho biết “hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu”. Theo Ricons, đến thời điểm hiện tại vụ việc vẫn đang được tòa án giải quyết. Mọi lập luận, kết luận liên quan đến vấn đề giữa hai công ty sẽ được trình bày và giải quyết tại tòa án, nơi được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về vụ việc.
Trước khi gặp nhau ở toà, Ricons và Coteccons đã công bố BCTC hợp nhất với nhiều điểm chú ý. Trong đó, Ricons công bố dư nợ của Coteccons với hơn 322 tỷ đồng. Cùng với đó, Gamuda Land (HCMC) đang nợ phải thu hơn 647 tỷ tại Ricons, từ các khách hàng khác 2.401 tỷ đồng.
Trước đó, trong BCTC kiểm toán 2022 của Ricons không nêu chi tiết số dư phải thu với Coteccons. Nội dung về Nợ khó đòi được thuyết minh đến cuối 2022 có số dư cuối năm là 19,6 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm.
6 tháng đầu năm 2023, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20%. Nhờ vào lãi từ hoạt động tài chính và công ty liên doanh liên kết mà lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng 41%.
Năm 2023, Ricons đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ là 50 tỷ đồng – giảm mạnh so với năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng, Công ty đã thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu thuần và vượt chỉ tiêu lãi sau thuế.
Về phía Coteccons, BCTC quý 2/2023 Công ty lại không công bố các khoản nợ cụ thể với Ricons.
Trước đó, tại BCTC 2022 Coteccons có số dư phải trả người bán ngắn hạn với Ricons trị giá 316 và 321 tỷ đồng lần lượt ở các thời điểm đầu và cuối năm 2022.
Đến cuối quý I/2023, số dư phải trả người bán ngắn hạn với Ricons theo BCTC của CTD là 323 tỷ đồng.
Trong kỳ, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Coteccons lãi ròng hơn 30 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 24 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý 3/2021.
6 tháng đầu năm, CTD đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so cùng kỳ. Lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.
Ngoài ra, khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 195 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân sự vụ theo Coteccons: Công nợ hai bên phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai Công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: dự án Newtaco, Dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, Dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.