Mỗi khi thấy nhện hay một bọc trứng lớn, phản xạ đầu tiên của chúng ta thường là chạy xa nhất có thể. Nhưng kỳ lạ thay, Công viên Bò sát Úc tại New South Wales lại đang khuyên người dân Sydney làm điều ngược lại: hễ thấy những thứ đáng sợ kể trên, hãy cẩn thận thu nhặt cả nhện và trứng để phục vụ công tác sản xuất thuốc giải độc.
Nhện mạng phễu (funnel-web spider, pháp danh Atracidae) là một trong những loài vật nguy hiểm bậc nhất nước Úc, nổi tiếng với nọc độc chết người và có tác dụng nhanh. Trước khi chế ra thuốc giải vào năm 1981, đã có 13 người được ghi nhận là tử vong vì nhện mạng phễu. Tuy nhiên, nước Úc chưa ghi nhận ca tử vong nào sau thời điểm 1981.
Tháng 11 hàng năm, Công viên Bò sát Úc đều đưa ra lời kêu gọi kỳ lạ nhưng giàu ý nghĩa này, bởi lẽ đây là mùa sinh sản của nhện mạng phễu. Công viên là đơn vị duy nhất cung chất giải độc cho nọc của nhện mạng phễu, và vì quá trình điều chế cần “vắt” nhện với số lượng lớn, họ cần người dân chung tay bắt nhện.
” Với mùa sinh sản đang đến gần và thời tiết tạo điều kiện lý tưởng, chúng tôi cần nhện hơn bao giờ hết “, Emma Teni, người phụ trách nhện tại sở thú, cho biết trong một tuyên bố. ” Nhện mạng phễu đực có vòng đời ngắn, và chúng tôi cần khoảng 150 con nhện để sản xuất một lọ thuốc giải độc, chúng tôi cần sự giúp đỡ từ cộng đồng để đảm bảo có đủ nọc độc đáp ứng nhu cầu “.
Những con nhện thường xuất hiện ở các khu vực mát mẻ, ẩm ướt với thảm thực vật dày. Dù vậy, sở thú đòng thời cảnh báo rằng chúng cũng có thể được tìm thấy trong nhà – đặc biệt ở những nơi như đống quần áo, giày dép để ngoài trời, hồ bơi và rác trong vườn.
Trong các video đăng tải trên Instagram, cô Teni hướng dẫn cách bắt nhện mạng phễu một cách an toàn, với chỉ một cái thìa và một cái lọ.
Chuyên gia Emma Teni hướng dẫn cách tự bắt nhện mạng phễu – Video: Australian Reptile Park.
Theo cô giải thích, hành động múc nhện vào lọ nên được thực hiện dứt khoát, tránh trường hợp nhện giận dữ và phá hủy bọc trứng quý giá. Mỗi bọc trứng thường chứa từ 150-200 con nhện con, đều có thể được sử dụng trong sản xuất thuốc giải.
Sau khi nhện được an toàn trong hộp đựng, người dân có thể mang chúng đến một trong các điểm thu gom trong khu vực hoặc trực tiếp đến Công viên Bò sát Úc.
Những người từng được cứu sống nhờ thuốc giải độc cũng kêu gọi cộng đồng tham gia chương trình này.
“ Công viên Bò sát Úc và chương trình sản xuất thuốc giải độc của các bạn đã cứu sống tôi vào năm 1994 ”, Nicole Webber bình luận trên bài đăng trên Facebook của Công viên Bò sát Úc. “ Tôi chỉ có thể cảm ơn tất cả các bạn. Hãy ủng hộ chương trình bằng cách bắt nhện an toàn và cả đóng góp tài chính ”.
Nguồn tin: https://genk.vn/ly-do-vuon-thu-uc-khan-thiet-nho-nguoi-dan-sydney-tu-bat-nhen-cuc-doc-20241118144213454.chn