Bão Manyi đã mạnh lên cấp 16 siêu bão, dự báo ngày 17-18/11 vào Biển Đông và trở thành cơn bão thứ 9 trên khu vực này trong năm 2024.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết sáng 16/11 bão Manyi đã mạnh lên thành siêu bão. Lúc 7h, siêu bão trên vùng biển phía đông miền Trung Philippines, sức gió mạnh nhất 201 km/h, cấp 16, giật cấp 17 và đang theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/h.
Đến 7h ngày mai, siêu bão giữ cấp độ và tốc độ theo hướng tây bắc khi trên vùng biển phía đông và đi qua miền Trung Philippines, sau đó bão đi vào Biển Đông. Đến 7h ngày 18/11, bão mạnh cấp 12, giật cấp 15 trên khu vực phía đông Bắc Biển Đông.
Sáng 19/11, bão lệch hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h, lúc 7h cùng ngày bão mạnh cấp 12, giật cấp 15 trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía đông đông bắc.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết bão Manyi đang trong giai đoạn mạnh nhất, ngày 18/11 khi vào Biển Đông sẽ có sức gió 108 km/h. Đài Hong Kong nhận định Manyi sẽ vào miền Trung Philippines với cường độ siêu bão, khi vào Biển Đông sức gió khoảng 130 km/h.
Ông Trương Bá Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, lý giải nguyên nhân chính khiến năm 2024 xuất hiện nhiều siêu bão, bão mạnh là do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển. Nước biển ấm lên sẽ cung cấp nhiều hơi nước, năng lượng cho các hệ thống thời tiết.
Theo ông Kiên, biến đổi khí hậu cũng làm giảm độ đứt gió thẳng đứng (sự thay đổi về tốc độ hoặc hướng gió theo độ cao) ở dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. Độ đứt gió thẳng đứng càng lớn thì khả năng làm giảm cường độ của bão càng cao.
Ngoài ra, sự chuyển pha nhanh từ El Nino sang La Nina ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương đang diễn ra. Điều này dẫn tới mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương, làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão Manyi, từ chiều mai, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 16, sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 5-7 m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm này có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Từ đầu năm đến nay, Biển Đông xuất hiện 8 cơn bão. Trong đó Trà Mi, Yinxing, Toraji nối tiếp nhau. Bão Trà Mi vào Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng ngày 27/10 gây mưa lớn ở Trung Trung Bộ, làm 8 người chết, 14 người bị thương.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sieu-bao-manyi-gan-bien-dong-4816716.html