Chương trình bước vào phần đề xuất sáng kiến, giải pháp phát triển Nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL. Mở đầu là phần trình bày của ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty TNHH Nông Trại 123, Chủ dự án “Nâng cao giá trị trái tắc, trái bưởi và trái mãng cầu xiêm” – Giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024.
Công ty là nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm trái cây sấy dẻo như tắc sấy dẻo, mãng cầu sấy dẻo, vỏ bưởi sấy dẻo, gừng sấy dẻo… cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Với vai trò là chủ doanh nghiệp, ngoài việc chú trọng phát triển kinh doanh, còn phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giảm tác động khí hậu và nâng cao sức khỏe con người. Tuy nhiên, để thực hiện xây dựng và phát triển nông nghiệp xanh đòi hỏi phải hiểu biết nhiều kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ mà đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, rất cần sự tư vấn và hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các quỹ đầu tư.
Từ đó, ông nêu ba kiến nghị để thúc đẩy nông nghiệp, khởi nghiệp xanh.
Thứ nhất là cần đặt trọng tâm canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Ông Viễn cho biết doanh nghiệp đã nghĩ tới việc tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, như biến vỏ trấu thành viên nén trấu, vỏ sầu riêng thành than sinh học, vỏ cam/thơm thành nước rửa chén hữu cơ và phân bón hữu cơ, đầu và vỏ tôm chiết xuất ra các chất rất giá trị cho công nghiệp dược phẩm… Tuy vậy, vẫn là những mô hình nhỏ, lẻ, các doanh nghiệp còn hoạt động đơn độc. Rất cần sự quyết tâm và ủng hộ lớn của các bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan để hai chữ “tuần hoàn” có kết quả cụ thể theo từng năm, theo từng tỉnh, từng loại hình cây, con… trở thành xu hướng mới bứt phá cho ngành nông nghiệp ĐBSCL.
Thứ hai, chú trọng hơn trong đầu tư các hạ tầng mềm đặc biệt ứng dụng công nghệ số và dữ liệu lớn trong nông nghiệp. Theo đó, việc đầu tư hạ tầng cứng như điện đường trường trạm là vấn đề thiết yếu lâu nay nhưng bối cảnh chuyển đổi xanh kết hợp chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc sử dụng các thiết bị và công nghệ để theo dõi độ ẩm, nhiệt độ và dinh dưỡng của đất, giúp quản lý hiệu quả hơn lượng nước và phân bón và nhiều mô hình ứng dụng khác là điều rất cần các cấp quan tâm để có phân bổ đầu tư hợp lý. Giá trị của việc đầu tư này không chỉ giúp ích cho quá trình quản trị của nhà nước mà còn cho DN chúng tôi những dự báo, khuyến nghị canh tác, nuôi trồng phù hợp.
Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan. Thách thức đặt ra là chuyển đổi xanh từ các mô hình canh tác truyền thống không phải điều dễ dàng, nhất là khi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu ngày càng khắt khe.
“Chúng ta không thể chuyển đổi lớn nếu không có cùng nhận thức, không có hiểu biết đủ”, ông Viễn nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn khởi nghiệp và cũng tốn kém đầu tư, nhưng thực tế, rất nhiều mô hình đã được thí điểm, thử nghiệm, vận hành ở các nước khác, vùng khác, doanh nghiệp khác… Việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin lẫn nhau hết sức cần thiết trong bối cảnh này.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, doanh nghiệp cũng đề nghị một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước để hoạt động khởi nghiệp sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh có nhiều cơ hội.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-doi-xanh-giup-dbscl-vuot-thach-thuc-bien-doi-khi-hau-4816616.html