Khoản nợ hơn 320 tỷ đồng
Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) vừa nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của TAND TPHCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản . Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons. Coteccons cho biết, có sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, liên quan đến các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Coteccons, công ty đang sở hữu 14,3% vốn cổ phần của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons. Coteccons cũng đang có khoản phải trả ngắn hạn cho Ricons gần 323 tỷ đồng. Khoản phải trả này bằng 8% tổng số dư phải trả người bán ngắn hạn của công ty và chiếm 1,6% quy mô tổng tài sản Coteccons ở thời điểm này. Tuy nhiên, trong thông cáo phát đi ngày 25/7, Coteccons cho biết công ty có lượng tiền mặt gần 4.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo tài chính quý I/2023 của Ricons không có thuyết minh chi tiết về các công nợ phải trả phải thu với Coteccons. Báo cáo tài chính ghi nhận tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Ricons là 7.176 tỷ đồng giảm mạnh so với con số đầu năm và bằng 1/3 so với tổng cộng tài sản của Coteccons 20.041 tỷ đồng. Nợ phải trả của Ricons là 4.753 tỷ đồng, gấp đôi so với vốn chủ sở hữu 2.423 tỷ đồng.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 3 tháng đầu năm của Ricons đạt 1.718 tỷ đồng, bằng 1/3 so với doanh thu của Coteccons 3.129 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gấp 3 lần dẫn đến Ricons báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh gần 14 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Ricons lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 20 tỷ đồng quý I/2022. Dòng tiền kinh doanh âm 125 tỷ đồng.
Ricons thành lập từ 2004, cổ đông sáng lập là Coteccons với tỷ lệ sở hữu 20%. Thời gian đầu, Ricons được thành lập nhằm phát triển bất động sản với 2 dự án, sau đó Ricons có làm thầu phụ cho Coteccons.
Ricons là công ty liên kết của Coteccons cho đến ngày 31/12/2019, việc uỷ quyền 8,8% quyền biểu quyết tại Ricons cho Coteccons hết hiệu lực. Coteccons không còn ảnh hưởng đáng kể đến Ricons và không còn ghi nhận Ricons là công ty liên kết. Khoản đầu tư vào Ricons được phân loại thành khoản đầu tư vào đơn vị khác.
Năm 2020, sau sự cố giữa ban lãnh đạo cũ Coteccons và nhóm cổ đông ngoại, Ricons chính thức tách khỏi Coteccons và xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Trong báo cáo thường niên 2019, Ricons đã thay đổi nhận diện thương hiệu bằng cách thay “Coteccons Group” bằng “Since 2004”.
Trong báo cáo tài chính năm 2019 của Ricons, khoản phải thu đối với Coteccons được ghi nhận là 687 tỷ đồng.
Coteccons và “người cũ”
Trên thực tế, Coteccons trong quá khứ hay Ricons hiện tại đều gắn với cá nhân ông Nguyễn Bá Dương . Vào ngày 5/10/2020, ông Nguyễn Bá Dương từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons – rời công ty xây dựng do chính mình sáng lập và đứng đầu suốt 16 năm. Sau khi rời đi, ông Dương cũng dứt khoát với Coteccons bằng việc bán cổ phần, không còn là cổ đông lớn công ty.
Ngay từ trước khi ông Dương rời Coteccons, nhiều nhân sự cấp cao đã lần lượt rút khỏi công ty. Sau khi nhà sáng lập từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi. Tuy nhiên, không chỉ có các nhân sự cấp cao nghỉ việc. Báo cáo năm 2020 của Coteccons cho biết số lượng nhân sự của Coteccons vào cuối năm 2020 chỉ còn 1.659 người, giảm gần 30% so với con số 2.272 người vào cuối năm 2019.
Coteccons thành lập năm 2004 trên cơ sở cổ phần hóa một công ty thành viên của Tổng công ty Fico, hoạt động trong mảng xây dựng. Năm 2010 công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE, ký hợp đồng tổng thầu đầu tiên tại dự án khu phức hợp Casino – The Grand Hồ Tràm do Asian Coast Development Ltd làm chủ đầu tư. Năm 2012 đánh dấu thêm bước tiến mới khi Coteccons thành công với mô hình thiết kế và thi công – D&B.
Năm 2015-2017 Coteccons nổi lên khi thi công dự án Landmark 81 – một trong số những tòa nhà cao nhất thế giới. Dự án này hoàn thành giai đoạn 2018-2019 cũng là thời điểm ghi dấu ấn của Coteccons trên thị trường.
Về doanh thu, năm 2015 là thời điểm Coteccons bắt đầu đạt thành tựu lớn và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2012 trở về trước doanh thu cả năm của Coteccons dưới 5.000 tỷ đồng, thì năm 2013 đạt gần 6.300 tỷ đồng và 2015 bất ngờ tăng vọt lên 13.669 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng từ mức 357 tỷ đồng năm 2014 lên hơn gấp đôi, đạt 733 tỷ đồng năm 2015.
Những năm sau đó doanh thu, lợi nhuận Coteccons liên tục tăng, đạt mức doanh thu cao nhất năm 2018 với 28.561 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao nhất ở năm 2017 với 1.653 tỷ đồng. Tuy nhiên sau giai đoạn tăng trưởng đột phá, Coteccons rơi vào giai đoạn giảm sâu cả về quy mô doanh thu và lợi nhuận.
Năm 2019 doanh thu Coteccons còn 23.733 tỷ đồng thì năm 2020 doanh thu giảm sâu xuống dưới 14.600 tỷ đồng. Năm 2021 ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, doanh thu giảm xuống quanh mức 9.100 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng giảm mạnh từ đỉnh hơn 1.600 tỷ đồng năm 2017 xuống hơn 700 tỷ đồng năm 2019. Và các năm 2021, 2022 lợi nhuận sau thuế Coteccons chỉ tính bằng chục tỷ đồng.
Quý I năm nay, doanh thu thuần Coteccons đạt 3.130 tỷ đồng, tăng gần 64% so với cùng kỳ. Dù doanh thu tăng mạnh nhưng biên lãi gộp còn rất mỏng, gần 56 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2022 và Coteccons báo lãi sau thuế đạt 22 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Với cá nhân ông Nguyễn Bá Dương, sau khi rời Coteccons đã xây dựng một hệ sinh thái mới, ước thu về 1 tỷ USD trong năm 2022. Những doanh nghiệp này đều kinh doanh ở lĩnh vực xây dựng, nội thất như Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Ricons, Công ty CP BM Windows, Công ty TNHH Boho Décor, Công ty DB.