GS Phùng Hữu Phú đề xuất đột phá về công nghệ, thể chế, còn PGS Lê Minh Thông mong cách mạng về tổ chức bộ máy, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Sáng 15/11, hội thảo “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn” được Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương đảng chủ trì, phối hợp với Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức.
TS Lại Xuân Môn, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương, cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, phát biểu gần đây đã đề cập đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Tổng Bí thư đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất.
“Đây là chủ trương, định hướng mới có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần đưa vào văn kiện Đại hội 14”, ông Môn nói. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn, cần được nghiên cứu, thảo luận, để tạo thống nhất cao về nhận thức, hành động. Vì vậy, cuộc thảo luận đầu tiên được tổ chức tạo cơ sở tiếp tục đi sâu nghiên cứu, bàn thảo, làm sáng tỏ và đầy đủ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn của “kỷ nguyên mới”.
Đột phá kép
GS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, định nghĩa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa đất nước lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại. Yêu cầu bao trùm trong kiến tạo kỷ nguyên mới là tiến hành đồng thời, thắng lợi quá trình “đột phá kép”.
Một mặt, đất nước phải đột phá đi thẳng vào hiện đại, vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế; vào quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ, xã hội và công dân số, tạo sự phát triển vượt bậc. Mặt khác, cả hệ thống phải đột phá trong việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn, yếu kém, đang cản trở sự phát triển của đất nước. Hai quá trình đột phá này phải được tiến hành song song.
Theo GS Phú, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra song hành với kỷ nguyên số, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà tiếng nói chung của nhân loại là “không có gì là không thể”. Vì vậy, cần có những đột phá lý luận với cách tiếp cận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về lộ trình và bước đi; về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của đất nước cũng cần có đột phá, đặc biệt là phát triển về khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, phát huy nhân tài; phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; về quản trị quốc gia; hiện đại hóa quốc phòng, an ninh và nâng tầm đối ngoại.
“Kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành quốc sách, nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng và cả hệ thống”, ông nói.
Cách mạng về tổ chức bộ máy
PGS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cho rằng thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam “như một lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” trước thềm đại hội Đảng các cấp.
Qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Bối cảnh, tình hình đất nước và thế giới trong giai đoạn mới “đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động”.
Theo ông Thông, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trong đó có tới 4 định hướng chiến lược liên quan trực tiếp đến đổi mới hệ thống chính trị. Đó là cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp chiến lược.
Ông đánh giá tổ chức của hệ thống chính trị vẫn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiệm vụ của các tổ chức thành viên vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Chi phí cho tổ chức và hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy nhà nước nói riêng chiếm tới 70% ngân sách nhà nước hàng năm. Những bất cập này nếu chậm được khắc phục “sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới”.
“Vấn đề đặt ra có tính cấp thiết vẫn là tiếp tục cải cách mô hình tổ chức tổng thể của cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt với mức độ, quy mô của một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, với quyết tâm chính trị cao hơn, giải pháp mạnh mẽ hơn”, ông Thông nói.
Theo ông, cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị để có giải pháp đổi mới mạnh mẽ bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trước hết, bản thân Đảng phải tự đổi mới mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy của mình theo hướng tinh gọn và hiệu quả; mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm.
Đảng lãnh đạo xã hội bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Do vậy, ông đề nghị tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp hóa, nhằm thực hiện tốt chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mặt khác, mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước cần tạo ra những chuyển biến thật sự tích cực theo đúng phương châm: “Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước”.
“Nên xây dựng và thực hiện phương án nhất thể hóa các chức danh đứng đầu địa phương theo hướng người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp, bố trí kiêm nhiệm ở một số chức vụ quan trọng giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước”, ông Thông đề xuất.
Ngoài ra, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan tham mưu của Đảng tại mỗi cấp, hình thành các cơ quan tham mưu tổng hợp để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thẩm định chủ trương, chính sách và tinh gọn tổ chức bộ máy đảng tại mỗi cấp. Ông cũng mong muốn đổi mới phương thức bầu cử trong Đảng để Đại hội Đảng có thể bầu trực tiếp người đứng đầu cấp ủy trên cơ sở cạnh tranh có số dư.
Nguyên trợ lý của Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng hoạt động lập pháp của Nhà nước trong thời đại ngày nay không hướng trọng tâm vào thể chế hóa quyền quản lý của bộ máy nhà nước mà phải hướng vào tạo dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc, ổn định. Quốc hội chỉ ban hành luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm thẩm quyền lập quy của Chính phủ để xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề của thực tiễn.
Hoạt động hành pháp chuyển trọng tâm từ vai trò quản lý sang vai trò của nền hành chính phục vụ, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trung tâm và đích đến. Tổ chức Chính phủ được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại.
Trong đó, nhiệm vụ và quyền hạn của tập thể Chính phủ và các thành viên được phân định cụ thể theo hướng: Chính phủ tập trung vào thực hiện chức năng xây dựng thể chế, Thủ tướng lãnh đạo, chỉ đạo nền hành chính quốc gia theo thẩm quyền của người đứng đầu; bộ trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý nhà nước do mình phụ trách, đúng vị thế của tư lệnh ngành.
Cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ cần tinh gọn theo nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ quản lý chỉ do một bộ chịu trách nhiệm, tạo căn cứ để giảm bớt số lượng bộ, cơ quan ngang bộ so với số lượng hiện hành. Các cơ quan thuộc Chính phủ tái cấu trúc theo mô hình cơ quan thực thi để khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng tổ chức thực thi chính sách, phòng, chống nguy cơ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Thẩm quyền của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương phân định rõ theo hướng phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương theo phương châm: Địa phương tự quyết định các vấn đề của mình, tự làm và tự chịu trách nhiệm.
Hoạt động tư pháp chuyển từ nhân danh Nhà nước sang nhân danh luật pháp và công lý để phán quyết các vi phạm luật pháp và xử lý tranh chấp, xung đột pháp lý trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với sự thay đổi tính mục tiêu, nội hàm hoạt động của lập pháp, hành pháp và tư pháp thì “đương nhiên phải cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ mối quan hệ và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp đến chính quyền địa phương”.
“Bộ máy nhà nước và công chức nhà nước phải kiên quyết vượt qua được tư duy của lối quản lý truyền thống tư duy quyền uy, tiến tới tư duy mới là tư duy nghĩa vụ, trách nhiệm; thay đổi cách ứng xử từ cho phép sang phục vụ trong mối quan hệ với công dân”, ông Thông nhấn mạnh.
Hoàng Thùy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-dot-pha-kep-hop-nhat-mot-so-co-quan-4816464.html