Một năm trước, tôi và đồng nghiệp tham gia đo đạc và đảm bảo chất lượng cho hạng mục “đường dẫn thi công” của dự án Đường sắt Etihad.
Cầu vượt bằng sắt khổng lồ, lắp đặt sẵn trong nhà máy, được vận chuyển đến hiện trường, với hai trụ cầu đã xây sẵn. Để lắp đặt chính xác cầu vào vị trí hai trụ, tuyến đường huyết mạch bên dưới phải đóng trong ngày thứ bảy, và mọi việc hoàn tất trong vòng 24 giờ, mở lại vào hôm sau.
Mỗi lần dẫn người nhà tham quan Burj Khalifa, tôi dừng lại trước câu nói của Tiểu vương Dubai: “Impossible is not in the dictionary of a leader” (Không thể không có trong từ điển của nhà lãnh đạo). Với chiều cao 828 m, tòa nhà này được xây dựng chỉ trong vòng sáu năm (2004-2010) và giữ nhiều kỷ lục thế giới khác như tốc độ thang máy 10 m/s, 163 tầng, và diện tích kính lớn nhất (103.000 m²).
Từ trên cao, tôi quan sát thấy hệ thống hạ tầng hiện đại của Dubai. Dubai Metro dài 75 km, có 53 ga, đi vào hoạt động từ năm 2009 chỉ sau bốn năm xây dựng. Đây là hệ thống metro tự động dài nhất thế giới, phục vụ 5,5 triệu khách mỗi tháng. Gần Burj Khalifa là Dubai Mall rộng 1,1 triệu m², hoàn thành trong năm năm, có 1.200 cửa hàng, rạp chiếu phim, sân trượt băng, thủy cung Dubai Aquarium, và nhạc nước Dubai Fountain, thu hút hàng chục triệu khách mỗi năm.
Các công trình tại Dubai không chỉ hoàn thành nhanh chóng mà còn đạt chất lượng vượt trội, bền vững và hiệu quả chi phí cao, với quan điểm “ổ bánh mì chưa nướng xong thì không thể là ổ bánh mì”. Hai mươi năm trước, Dubai có vị trí thấp về hạ tầng toàn cầu, nhưng với khoản đầu tư 3,54 tỷ USD vào 258 dự án trong một thập kỷ, thành phố hiện đứng thứ tư thế giới về chất lượng hạ tầng, theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Sức mạnh hạ tầng của Dubai mới đây được Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra để nói về với thực trạng thủ tục đầu tư tại Việt Nam, khi các dự án hạ tầng trong nước thường mất nhiều thời gian, và chất lượng là một câu hỏi lớn. Ví dụ, 13 km tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông mất 10 năm, còn tuyến Metro Suối Tiên 17,1 km sau 16 năm vẫn chưa hoạt động.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể học được gì từ UAE và các nước?
Như đề nghị gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có thể cân nhắc tạo ra “cơ chế luồng xanh” (fast-track approval, green lane mechanism) nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt cho các dự án ưu tiên, trọng điểm và chiến lược. Cơ chế này giúp doanh nghiệp triển khai sớm và tận dụng cơ hội kinh doanh ngay khi có điều kiện, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, y tế, dược, xây dựng, tài chính, và chống biến đổi khí hậu. Cơ chế luồng xanh sẽ giúp tăng hấp dẫn đầu tư nước ngoài và khả năng cạnh tranh trong khu vực. Về khuôn khổ pháp lý, Việt Nam cần ban hành các quy định và tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch cho các dự án ưu tiên, bao gồm các yêu cầu về môi trường, an toàn lao động và quy định xây dựng. Điều này giúp doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng, giảm thiểu sai sót và thời gian điều chỉnh. Để hỗ trợ các dự án chiến lược, có thể lập ra các cơ quan chuyên biệt, hỗ trợ phê duyệt, tư vấn pháp lý và các giải pháp tài chính, liên kết hợp tác quốc tế, cũng như theo dõi sự hoạt động của các dự án luồng xanh, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và giảm thiểu các nguy cơ về an ninh quốc phòng.
Để tăng hiệu quả về thời gian và chi phí cho cả người dân, doanh nghiệp và chính phủ, cần sớm hoàn thiện Chính phủ thông minh, thủ tục một cửa, chuyển toàn bộ quy trình hành chính và dịch vụ công sang nền tảng số, giúp giảm thiểu thủ tục giấy tờ và tăng tính minh bạch. Hệ thống pháp lý số hóa cũng giúp giảm thiểu chồng chéo giữa các quy định và văn bản pháp luật từ nhiều cơ quan khác nhau. Số hoá cũng giúp Việt Nam cải tổ và tinh giản bộ máy.
Tăng tính cạnh tranh với các ưu đãi về thuế và giảm giá thuê đất cho các dự án thuộc diện “luồng xanh”, ít nhất trong các năm đầu, cũng là giải pháp có thể tính đến.
Không kém phần quan trọng, để thu hút đầu tư, hệ thống logistics phải hiện đại, thông suốt và kết nối toàn cầu. Các khu công nghiệp chỉ nên được đặt ở các vị trí chiến lược về giao thông. Hệ thống logistics của Dubai, bao gồm Sân bay quốc tế Dubai, Cảng Jebel Ali, Dubai Creek, hệ thống đường bộ với các trục chính trên 10 làn xe, và Đường sắt Etihad chuyên chở hàng, đã trở thành hub đầu tư và là mạch máu kinh tế, thu hút FDI, và thúc đẩy bất động sản, du lịch, nhập cư của chuyên gia.
Tăng tốc độ xử lý công việc không chỉ giới hạn ở cấp giấy phép mà theo tôi cần trở thành văn hóa sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi ấn tượng với tốc độ xử lý tại các trung tâm hành chính ở Dubai, hoạt động 24/7. Đăng kiểm xe của tôi chỉ mất dưới 10 phút, còn thủ tục nhập cảnh chỉ mất 10 giây qua cổng thông minh.
Cách đây 50 năm, Dubai chỉ là một thương cảng nhỏ, nay đã phát triển với 30 bệnh viện, 200 trường học, và 17 đại học đạt chuẩn quốc tế. Dù thiếu nước ngọt, UAE sản xuất 2,52 tỷ m³ nước cho nông nghiệp, 2,02 tỷ m³ nước biển khử mặn cho đô thị, và 0,53 tỷ m³ nước thải xử lý để tưới cây. Tăng cường chất lượng sống cho người dân cũng là cách thu hút đầu tư và nhân tài.
Thành công trong xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống là minh chứng cho sức mạnh của tầm nhìn chiến lược, quy hoạch tốt, và quyết tâm cải cách, tạo ra văn hóa làm việc hiệu quả.
Nếu Việt Nam áp dụng thành công chuyển đổi số và các cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, chúng ta có thể tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế khu vực và toàn cầu.
Bùi Mẫn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/qua-nhanh-nhung-khong-nguy-hiem-4814860.html