Liệu có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa hay không là một trong những câu hỏi được thị trường tài chính quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, tại Đối thoại tháng 7 với chủ đề: “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” diễn ra sáng nay, ngày 26/7, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhấn mạnh rằng định hướng giảm lãi suất là hợp lý tuy nhiên không phải trên tất cả thị trường đều giảm lãi suất.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, các doanh nghiệp Việt Nam đang thu hẹp mức độ đòn bẩy. Đây là nền tảng tốt, ngành nào thẩm thấu được vay được thì cần mạnh dạn hơn một chút bởi nới lỏng tiền tệ không chỉ ở mức độ chính sách mà còn ở góc nhìn chiều sâu của doanh nghiệp, cả kể bất động sản.
Vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao mà là năng lực hấp thụ vốn thấp. Ở nhiều ngành khác nhau, đó là vấn đề kinh doanh nhiều hơn là vấn đề nguồn vốn/tín dụng: sụt giảm đơn hàng và dẫn đến doanh thu giảm và biên lợi nhuận thu hẹp làm cho nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp. Quan trọng là tư duy các chính sách hỗ trợ và nới lỏng tiền tệ thế nào.
“Mọi người cứ bàn mãi lãi suất phải giảm thì cái này chắc là nhanh thôi, chừng nào lãi suất không giảm mà cứ duy trì 10% bình quân thì về dài hạn không tồn tại khái niệm doanh nghiệp, không có CEO nữa, đưa tiền cho ông mà không tạo ra lợi nhuận, suất đầu tư cao hơn chi phí vốn thì về lâu dài không tồn tại. Định hướng giảm lãi suất là hợp lý tuy nhiên không phải trên tất cả thị trường đều giảm lãi suất”, Chủ tịch FiinGroup nói.
Cũng theo ông Thuân, vừa rồi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước triển khai hỗ trợ lãi suất cho lâm thủy sản, chính sách này đúng và trúng nhưng chúng ta cần phải làm mạnh hơn. Quý 1 không có lợi nhuận, doanh nghiệp không có nhu cầu vay khi đơn hàng không có nên vấn đề hỗ trợ lãi suất, giảm thuế phí cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Cần tiếp cận theo nhóm ngành, phân loại mục tiêu triển khai thay vì chỉ nói giảm lãi suất triển khai chung chung.
Việc này là của các ngân hàng thương mại nhưng cũng cần cơ quan chính sách định hướng, phổ biến khuyến khích doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp giữ được lao động thì nên ưu tiên vì trong bối cảnh này các doanh nghiệp tạm dừng hết, 2-3 quý nữa khi đơn hàng quay lại lao động cũng về quê hết rồi thì chính sách lúc này mới phát huy tác dụng, không chỉ chính sách tín dụng mà hỗ trợ họ cầm cự qua giai đoạn này.
Tương tự, vấn đề của ngành Dệt may là đơn hàng giảm nên doanh thu giảm và biên lợi nhuận giảm. Do đó, nhu cầu vốn ít đi và thực tế là mức độ đòn bảy giảm và nhu cầu vốn lưu động và đầu tư mở rộng không lớn. Chính vì vậy, trọng tâm của chính sách hỗ trợ nên là giảm lãi suất, thuế… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục cầu xuất khẩu trở lại.