Hơn một năm trước, trong lớp dạy về đầu tư, một số học viên của tôi lấy ví dụ về một công ty trả lãi rất cao trên thị trường. Đó là cái tên khá nổi trong giới đầu tư nhỏ lẻ, với mức lãi suất cam kết rất hấp dẫn, và họ đề nghị tôi cùng xem xét để đánh giá tiềm năng.
Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi nhận định công ty này dường như hoạt động theo mô hình Ponzi, và với mức lãi suất không tưởng đó, mô hình này khó có thể bền vững, chỉ duy trì được tối đa hai năm nữa. Nhiều người hoài nghi đánh giá của tôi, với niềm tin rằng, công ty này đã hoạt động từ năm 2018 và luôn trả lãi đúng hẹn, thì khó có khả năng lừa đảo.
Nhưng thời gian đã chứng minh nhận định của tôi có cơ sở. Mới đây, công ty này tuyên bố mất khả năng thanh toán. Hàng nghìn người đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền tích góp được.
Trong đầu tư, lợi nhuận cao luôn là cám dỗ khó cưỡng. Đằng sau những hứa hẹn lợi nhuận “không thể chối từ”, cam kết chắc nịch về một tương lai tài chính rực rỡ là những rủi ro vô hình mà trong sâu thẳm, nhiều người có thể lờ mờ nhận ra, nhưng phần lớn để cho lợi nhuận bịt mắt mình.
Câu hỏi “Lợi nhuận này thực sự đến từ đâu?” hiếm khi được đặt ra hoặc trả lời rốt ráo. Nếu một công ty có thể trả lãi suất cao ngất ngưởng một cách đều đặn, nghĩa là họ phải sở hữu lợi thế kinh doanh cực lớn, hoặc một sự độc quyền không ai có thể cạnh tranh. Nhưng ngay cả trong những ngành có lợi thế độc quyền, thì sức hấp dẫn của lợi nhuận cũng vẫn sớm bị cạnh tranh khỏa lấp. Một mô hình kinh doanh bền vững sẽ không cần phải vay vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ với mức lãi suất cao đến vậy. Vốn từ các quỹ đầu tư hay ngân hàng luôn có chi phí thấp hơn.
Vậy, thực tế là gì? Mô hình Ponzi dựa vào dòng tiền của người mới để trả lãi cho người cũ, tạo ra một ảo giác về thành công. “To rob Peter to pay Paul” (Cướp Peter để trả cho Paul) là thành ngữ tóm gọn bản chất của trò chơi này, tức mượn (tiền) từ nguồn này để trả cho nguồn khác. Vấn đề là mô hình này chỉ hoạt động ổn định chừng nào có người mới tiếp tục đổ vốn vào với tốc độ nhanh hơn số tiền phải chi trả ra, và một khi dòng tiền này chững lại, hệ thống sụp đổ sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Đáng nói hơn, mô hình Ponzi ngày nay thường kết hợp với mô hình đa cấp để tận dụng tối đa lòng tin của người tham gia. Khi một người tham gia mời gọi thêm bạn bè, người thân, họ không chỉ đang kiếm được lợi nhuận mà còn giúp tạo ra một hiệu ứng “bằng chứng xã hội”. Người tham gia mới cảm thấy yên tâm hơn khi thấy người quen đã “thu lợi”, và tiếp tục tái đầu tư, góp phần củng cố niềm tin cho những người xung quanh. Cứ thế, vòng xoáy niềm tin này lan rộng, tạo thành một mạng lưới vững chắc, nhưng chỉ tồn tại trên nền tảng của lòng tin mù quáng, chứ không phải sự bền vững của tài chính.
Nhiều người, khi bắt đầu nghi ngờ đây có thể là mô hình Ponzi, vẫn tin rằng mình có thể “rút ra nhanh hơn” người khác, rằng họ đủ nhanh nhạy để thoát kịp trước khi hệ thống đổ vỡ. Nhưng điều này không đơn giản. Mô hình Ponzi thường được thiết kế để tối đa hóa khả năng giữ chân nhà đầu tư bằng các chiêu trò tinh vi như khuyến khích tái đầu tư với ưu đãi lớn hơn hay tạo cảm giác an toàn bằng việc trả lãi đúng hạn, các khoản thưởng… Chính lòng tham và hy vọng ngăn họ rút chân kịp thời, và khi hệ thống sụp đổ, nó sẽ sụp đổ rất nhanh, chỉ rất ít người may mắn thoát khỏi với số vốn của mình.
Đầu tư là kiếm lợi nhuận, nhưng điều quan trọng hơn cả là khả năng hoàn vốn. Bạn có thực sự đảm bảo rằng mình sẽ lấy lại được số tiền đã bỏ ra không? Một khoản lợi nhuận lý tưởng nhưng không thể thu hồi vốn thì về cơ bản, bạn đang đối mặt với rủi ro thua lỗ lớn hơn bạn tưởng. Bất cứ khoản đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận cao đều tiềm ẩn rủi ro cao, và khi không thể trả lời những câu hỏi cơ bản về nguồn lợi nhuận, mô hình kinh doanh, người đầu tư càng cần phải cẩn trọng hơn bao giờ hết.
Khi đối diện với một cơ hội đầu tư, đừng ngại tự hỏi những câu đơn giản nhưng quan trọng: “Lợi nhuận đến từ đâu?”, “Tại sao công ty này cần huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân với mức lãi cao?” và “Ai là những đối tác đáng tin cậy của họ?”. Đừng để những mối quan hệ thân thuộc làm mờ đi lý trí, vì lợi nhuận bạn tìm kiếm không thể nào thay thế được giá trị của lòng tin, hay sự an toàn tài chính của bản thân và gia đình.
Ngẫm lại, có lẽ quan trọng hơn cả việc tìm kiếm lợi nhuận, là mỗi người cần biết mình đang thực sự đầu tư để hướng đến điều gì, đâu mới là giá trị mình thực sự coi trọng cho bản thân và gia đình. Con người thường bị cuốn vào những ảo tưởng về tiền bạc, về mức lợi tức trong tương lai, nhưng quên đi ý nghĩa thực sự của chữ “đủ” và giá trị đích thực mà mình cần theo đuổi. Nhiều người theo đuổi những khoản hứa hẹn lợi nhuận “đột biến” từ đầu tư xuất phát từ cảm giác thiếu thốn, rằng bản thân mình “chưa đủ” so với những người khác, hoặc với kỳ vọng mà xã hội đã ngầm đặt ra.
Nếu một người đủ vững vàng trong hệ giá trị của chính mình, nếu những gì họ tìm kiếm không chỉ là con số trong tài khoản mà là sự an yên, bảo vệ tài chính bền vững cho gia đình, thì những cạm bẫy tài chính sẽ không còn sức cuốn hút đến vậy. Nắm rõ đâu là giá trị thật sự, việc đưa ra quyết định sẽ trở nên đơn giản và tường minh hơn nhiều.
Trên hành trình chinh phục sự thịnh vượng, những cạm bẫy từ mô hình lừa đảo đội lốt đầu tư vẫn luôn tồn tại, chờ đợi khai thác sự thiếu hiểu biết và lòng tham. Chỉ bằng sự tỉnh thức trong từng quyết định, bạn mới tránh xa được những cám dỗ để không chỉ bảo vệ tài sản mà còn giữ vững uy tín và sự bình an trong gia đình – điều mà không khoản lợi nhuận nào có thể thay thế được.
Đức Nguyễn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lua-dao-kieu-ponzi-4814414.html