Người phụ nữ mặc bộ đồ bó sát màu xanh, chống hai tay xuống đất, dợm dợm lấy đà rồi chổng cả hai chân lên trời, trồng cây chuối.
Sau vài lần nghiêng ngả, cuối cùng chị cũng có được mấy tấm ảnh chia sẻ trên trang cá nhân. Những bức ảnh tạo dáng trong trang phục yoga được chụp ngay trước cổng cung Cảnh Phúc (Gyeongbokgung) – phía bắc thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Đây là một trong những cung điện nổi tiếng bậc nhất Hàn Quốc, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Tôi đã có dịp tới cung điện này, du khách đều ăn mặc rất lịch sự, nhiều người còn mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc để tham quan, chụp ảnh. Mà không riêng gì ở Gyeongbokgung, như một quy ước văn hóa chung, khi tới đền đài cung điện hay các di tích lịch sử ở bất cứ đâu trên thế giới này, người ta đều ăn mặc sang trọng, lịch sự.
Chị không phải là trường hợp cá biệt. Gần đây, không ít hội nhóm tập yoga mặc trang phục của bộ môn này ra phố, tạo dáng giữa lòng đường, thậm chí lên cả đỉnh Fansipan để chụp ảnh. Những hình ảnh này tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai “phe”, chỉ trích và ủng hộ. Một trong những luận điểm khiến tôi quan tâm là “con người có quyền tự do ăn mặc và làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm”. Lý lẽ dường như thuận tai, chỉ trừ một điểm, đây không phải là vấn đề pháp luật, mà là câu chuyện về văn hóa và thẩm mỹ, cụ thể là sự phù hợp giữa trang phục và hoàn cảnh.
Các phụ huynh ở lớp con tôi cũng từng rơi vào trường hợp tương tự. Trong sự kiện tại trường, chúng tôi được mời tham dự một phần lễ đặc biệt, trong đó các con cảm ơn thầy cô, cha mẹ, tặng bưu thiếp cho từng người và hứa cố gắng học hành chăm chỉ.
Khoảnh khắc sẽ trang trọng và xúc động hơn, nếu như hôm đó bớt đi những tiếng loẹt quẹt dép lê của các nam sinh quần đùi, áo “te tua”, và nữ sinh mặc áo hai dây hay trang phục “giấu quần” (áo phông trùm lên quần soóc). Tôi tiếc cho sự hoàn hảo của khoảnh khắc ấy. Một vài phụ huynh bên cạnh mắng con “sao đến trường mà ăn mặc suồng sã như vậy”. Nhưng cũng có những cha mẹ chép miệng, rằng đám trẻ (17 tuổi) đó vẫn còn nhỏ, “đã biết gì đâu”, trang phục miễn sao thoải mái là được.
So với thế hệ còn nhiều thiếu thốn của chúng tôi, cuộc sống bây giờ đã khác, đặc biệt là ở thành thị. Giờ không mấy ai còn phải băn khoăn về chuyện ăn no, mặc ấm mà đều hướng đến ăn ngon, mặc đẹp. Thế nào là đẹp thì lại không có quy định cứng, mà phụ thuộc vào cảm nhận, chiều sâu văn hóa và quan niệm thẩm mỹ của từng người.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, mỗi cộng đồng đều có những tiêu chuẩn, khế ước chung về việc “mặc thế nào là phù hợp”. Chẳng hạn, trang phục yoga thường được sử dụng trong phòng, hoặc một số không gian có thể tập luyện như công viên, bãi biển, chứ không nên đưa ra lòng đường, lên đỉnh Fansipan, hoặc trước cửa cung điện… Học sinh có thể ăn mặc thoải mái khi đi ăn uống, dã ngoại, nhưng tại một buổi lễ trang trọng, trang phục cần phải xứng với hoàn cảnh.
Sự “chuyển động” trong cách ăn mặc nơi công cộng vài thập kỷ qua, ở khía cạnh nào đó, cho thấy sự cởi mở, bớt câu nệ về văn hóa trang phục ở những quốc gia Á Đông như Việt Nam. Xu hướng này còn được thúc đẩy bởi sự phát triển của các mạng xã hội – phương tiện đáp ứng nhu cầu chia sẻ, thể hiện bản thân của con người. Nhu cầu này là bình thường, tự nhiên và chính đáng.
Điểm duy nhất tôi muốn tranh luận là: mặc đẹp trước hết phải phù hợp với không gian hoặc tính chất của sự kiện, hoàn cảnh. Không gian công cộng có những “tiêu chuẩn cộng đồng chung” mà sự vi phạm sẽ khiến các cá nhân trở nên lạc lõng, đồng thời có thể khiến mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu. Có người giải thích, xu hướng “thông thoáng” kiểu mặc đồ yoga ra đường phố như thế là do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Tôi không nghĩ như vậy. Các quốc gia phát triển nói chung đều có quy tắc xã hội về trang phục tương đối rõ ràng: đến các cuộc họp chính thức thường là mặc vest, đến nhà thờ đền đài không ăn mặc hở hang, đến dự các lễ trao giải không thể mặc đồ dạo phố, đến lễ cưới không nên áo phông quần bò…
Người Nga có câu “Gặp nhau nhìn quần áo, xa nhau nhìn tâm hồn”. Người Ảrập nói “Ăn mặc không phải để tốt cho mình mà để tôn trọng người khác”. Người Việt cũng có thành ngữ “Y phục xứng kỳ đức”.
Trang phục không phải là toàn bộ giá trị của một người, nhưng trang phục đẹp và phù hợp chắc chắn sẽ giúp tôn lên giá trị của một người.
Trịnh Hằng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mac-do-yoga-ra-pho-4812817.html