Tôi đến thăm viện trưởng một viện kiểm sát huyện ở Thái Bình và được bà chia sẻ trăn trở của mình về một vụ tai nạn giao thông.
Tai nạn xảy ra gần 10 năm trước. Người mẹ giao xe máy cho cậu con trai chưa có bằng lái, người con gây tai nạn chết người. Cơ quan tố tụng huyện khởi tố bị can với cả hai mẹ con. Viện trưởng nói với tôi, ban đầu đã có chút do dự vì hoàn cảnh mẹ góa con côi của gia đình họ, hơn nữa, hành vi giao xe cho con của người mẹ chủ yếu xuất phát từ nhận thức pháp luật yếu kém. Nạn nhân cũng có một phần lỗi vì thiếu quan sát. Tuy vậy, sau khi cân nhắc kỹ, cơ quan tố tụng quyết định “phải xử đúng luật”.
Người con bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Khoản 2, Điều 202, Bộ Luật Hình sự, có khung phạt tù từ ba đến mười năm với tình tiết định khung “không có giấy phép lái xe”. Người mẹ liên đới chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tội này có mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.
Làm công tác pháp luật, tôi đã gặp biết bao trường hợp đáng tiếc, nhất là với những người trẻ. Nếu hiểu luật và biết cái giá phải trả, các em có thể sẽ không hồn nhiên vi phạm để rồi phải chịu chế tài hình sự nghiêm khắc.
Chiều nay, một người bạn gửi cho tôi xem video về vụ tai nạn giao thông do một nhóm thanh niên gây ra trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội sáng 3/11. Trong lời khai ban đầu, cô gái 19 tuổi thừa nhận chưa có bằng lái, vì bốc đồng vọt ga đuổi theo bạn bè mà đã tước đi sinh mạng của một phụ nữ vô tội, đem đến tang tóc và mất mát khôn nguôi cho gia đình nạn nhân. Nỗi đau xé ruột gan ấy, có lẽ các em chưa đủ trưởng thành để nếm trải, và cái giá vài năm tù cũng làm sao để bù đắp cho phía bị hại?
Người bạn gửi cho tôi video kèm câu hỏi: Liệu có phải chế tài xử phạt của Việt Nam quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng quái xế, đua xe vì thế mà không ngăn chặn được?
Xe máy vốn là phương tiện vận tải bình thường, đơn giản nhưng khi vận hành ở tốc độ cao mà không kiểm soát tốt sẽ gây nguy hiểm cho rất nhiều người. Pháp luật quy định xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ nên chủ sở hữu phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Trường hợp gây chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên thì người điều khiển lẫn người giao xe sẽ đều phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chế tài luật pháp theo tôi là đủ mạnh, vấn đề là quá trình thực thi có đủ nghiêm minh. Không phải vụ tai nạn nào, người thực thi pháp luật cũng có thể như vị viện trưởng kia, ký cùng lúc phê chuẩn hai lệnh khởi tố, cho cả người điều khiển lẫn người giao phương tiện. Trong rất nhiều trường hợp, vì các nguyên nhân khác nhau, thường chỉ có người điều khiển phương tiện bị khởi tố.
Trong khi, nếu quá trình thực thi pháp luật truy tới cả người giao phương tiện theo đúng quy định, tôi cho rằng, sẽ hạn chế được rất nhiều tai nạn đau lòng gây ra do “nguồn nguy hiểm cao độ” rơi vào tay kẻ thiếu cả ý thức, kỹ năng và hiểu biết pháp luật.
Bên cạnh những hạn chế nhất định của quá trình thực thi luật pháp, những vụ tai nạn giao thông như vậy có một phần lỗi, từ gia đình, nhà trường cho đến các thiết chế xã hội đã không ngăn ngừa hiệu quả hành vi vi phạm của thanh thiếu niên.
Về phía gia đình, nhiều cha mẹ thương con một cách thiếu hiểu biết khi vẫn giao xe cho con dù chúng chưa đủ điều kiện điều khiển. Trong đợt ra Hà Nội công tác gần đây, tôi chứng kiến nhiều đội tuần tra giao thông lập chốt bắt trẻ vị thành niên vi phạm luật giao thông. Các em dàn hàng ngang, chở ba đến bốn người, không mũ bảo hiểm, ngông nghênh giữa phố. Tôi hiểu, đây là hậu quả của hành vi thiếu hiểu biết hoặc nhờn luật, có thể do đã nhiều lần vi phạm nhưng không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời. Pháp luật không được thượng tôn, tất yếu khó tránh khỏi những vụ việc đau lòng.
Khi một hành vi phạm tội được thực hiện, thiệt hại cho xã hội mãi mãi sẽ không bao giờ được khắc phục đầy đủ. Vì vậy, rất nhiều nước chú trọng đến giáo dục pháp luật hình sự ngay trong nhà trường, họ phòng ngừa từ xa, từ ngay trong suy nghĩ của những công dân chuẩn bị gia nhập xã hội. Một khi đã được giáo dục kỹ, trang bị cẩn thận mà vẫn vi phạm, pháp luật sẽ phải lạnh lùng làm nốt các phần việc còn lại chứ không có sự thông cảm.
Trước đây, người dân TP HCM cũng từng kinh hồn bạt vía, với các “yêng hùng xa lộ”, “quái xế” bởi tiếng “nẹt pô” inh tai, nhức óc. Nhưng những năm qua, lực lượng công an thành phố đã tập trung xử lý dứt điểm tình trạng tụ tập đua xe trái phép, khởi tố hình sự không ít trường hợp “gây rối công cộng” để răn đe, dần trả lại sự bình yên cho thành phố.
Cũng như nhiều câu chuyện đau lòng khác từng phải chứng kiến trong công việc, tôi và viện trưởng đã chia sẻ với nhau những trăn trở về “hai mẹ con đều bị khởi tố”. Nhưng chúng tôi rốt cuộc đều thống nhất ở một điểm: luật pháp phải nghiêm minh.
Nhân văn với những kẻ phạm pháp tức là coi nhẹ quyền sống của những người vô tội.
Bùi Võ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/quai-xe-tong-chet-nguoi-4812118.html