Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9 và được dự báo tiếp tục đưa lãi suất về những mức thấp hơn trong thời gian tới có thể sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á – theo hãng tin CNBC.
“Chúng tôi rất tin tưởng và lạc quan rằng với việc Fed hạ lãi suất, trong ngắn hạn, các nền kinh tế này sẽ quay trở lại xu hướng tăng trưởng GDP thực 6-7%”, ông Shaurabh Agarwal – trưởng bộ phận cổ phần tư nhân khu vực Đông Nam Á của công ty Warbug Pincus – nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Quan điểm này của ông Pincus nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia kinh tế và quan chức tài chính ở Đông Nam Á.
Ông David Sumual, nhà kinh tế trưởng của Bank Central Asia, cho rằng Indonesia là một trong những quốc gia có thể tận dụng lợi thế do chính sách ngắn hạn và dài hạn của Fed mang lại.
“Những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Fed sẽ mang lại lợi ích cho Indonesia chủ yếu thông qua các kênh hàng hóa cơ bản. Giá hàng hóa có khả năng sẽ bước vào một giai đoạn tăng, nhất là khi Trung Quốc có thể sắp công bố một gói kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa. Indonesia cũng có thể được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư danh mục cao hơn, đặc biệt là vào thị trường chứng khoán, nhưng tác động có thể hạn chế hơn vì nhu cầu đối với chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng”, ông Sumual nói với CNBC.
Theo quy luật thường thấy lãi suất tăng ở Mỹ là yếu tố bất lợi đối với các thị trường mới nổi vì khi lãi suất trong nước tăng, các nhà đầu tư Mỹ thường rút vốn về về nước để hưởng lợi tức cao hơn. Một vấn đề lớn nữa là khi lãi suất ở Mỹ tăng, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các quốc gia khác có thể gây áp lực mất giá so với USD lên các đồng tiền khác, đặt ra thách thức đối với ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi trong việc kiềm chế lạm phát.
Ngược lại, khi Mỹ hạ lãi suất, đó sẽ là một cú huých đối với các thị trường mới nổi và dòng vốn chảy vào các quốc gia này có thể tăng trở lại. Giá hàng hóa cơ bản toàn cầu cũng có xu hướng tăng khi tỷ giá đồng USD giảm xuống do khuynh hướng mềm mỏng của Fed. Hàng hóa cơ bản giữ một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi.
Với việc Fed khởi động chu kỳ giảm lãi suất, ngân hàng trung ương nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan cũng đã hành động tương tự vì áp lực mất giá đối với đồng nội tệ của họ đã được giải tỏa.
Chỉ vài giờ trước khi Fed hạ lãi suất vào tháng 9, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã giảm lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm – một động thái nằm ngoài dự báo. Hôm 16/10, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) tiến hành hạ lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm.
Trước khi Fed hạ lãi suất, ông Henry Wibowo – trước bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân hàng JPMorgan Chase – nhận định với hãng tin CNBC rằng “ở châu Á, Indonesia sẽ là một trong những thị trường hưởng lợi chính từ dòng vốn đầu tư danh mục” liên quan tới việc Fed nới lỏng. Ông cho rằng cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Jakarta có thể sẽ là một trong những nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất.
Theo ông Sumual, lãi suất ở Indonesia thường diễn biến cùng chiều với lãi suất Fed và BI có thể đợi Fed tiếp tục nới lỏng mới giảm thêm lãi suất của Indonesia, nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa chính sách tiền tệ ưu tiên sự ổn định và các chính sách vĩ mô chủ động hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Các đồng tiền rupiah của Indonesia và baht Thái Lan đều đã có thời điểm tăng giá mạnh sau quyết định hạ lãi suất của Fed, một phần nhờ việc nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và đổ vào các thị trường ở Đông Nam Á. Ngoài ra, các đồng ringgit của Malaysia, đôla Singapore cũng tăng giá so với USD sau khi Fed hạ lãi suất.
Giới phân tích cho rằng trong thời gian tới, các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất theo Fed. Ông Sumual nhận định Indonesia và Thái Lan sẽ còn hạ lãi suất, và thị trường chứng khoán và trái phiếu tại khu vực sẽ hưởng lợi từ sự nới lỏng này.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cnbc-dong-nam-a-co-the-huong-loi-tu-viec-fed-ha-lai-suat.htm