Quyết định số 108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, xác định rõ lộ trình để Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Theo quy hoạch, đô thị Huế sẽ nổi bật với những đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường thân thiện và tính thông minh, với tổng diện tích khoảng 4.947,1km2 nằm trong phạm vi quy hoạch.
Khi chính thức trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Huế sẽ được công nhận là đô thị loại I, với các yếu tố đặc thù. Thành phố sẽ phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cố đô, tạo nên một đô thị đặc sắc về sinh thái và cảnh quan.
Huế sẽ là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng miền Trung, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế biển, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu, cũng như giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Đây cũng sẽ trở thành một trung tâm du lịch quốc tế và một điểm phát triển công nghiệp, cảng biển của quốc gia, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là động lực đột phá, cùng với công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Mô hình phát triển không gian đô thị của Huế sẽ theo hướng chuỗi đô thị kết hợp với các hành lang kinh tế và giao thông, với sự phát triển đồng bộ của các đô thị để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương, cho biết tỉnh đang nỗ lực tối ưu hóa công tác xúc tiến đầu tư. Hàng năm, tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, đưa ra quan điểm và định hướng rõ ràng nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
>> 27.000 du khách từ tàu du lịch biển sắp ‘cập bến’ Thừa Thiên Huế
Huế sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ông Phương nhấn mạnh: “Quy hoạch tỉnh được phê duyệt mở ra cơ hội để Thừa Thiên Huế khai thác hiệu quả vị trí địa kinh tế – chính trị, phát huy thế mạnh đặc thù và tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững. Quy hoạch cũng giúp các nhà đầu tư nhận diện tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh”.
Theo quy hoạch, cảng hàng không quốc tế Phú Bài sẽ được mở rộng với các đường lăn, nâng cấp nhà ga hành khách, khu hàng hóa và sân đỗ máy bay, đáp ứng công suất khai thác 7 triệu lượt khách/năm vào năm 2030, với mục tiêu nâng cấp hạ tầng đạt công suất 12 triệu lượt khách/năm vào năm 2050.
Tỉnh cũng dự kiến phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ và trực thăng tại các khu vực có tiềm năng du lịch, đồng thời xây dựng các bến cảng như bến Chân Mây, bến Thuận An và bến Phong Điền.
Trong tiến trình phát triển đô thị, quy hoạch cũng định hướng xây dựng đô thị trung tâm Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc và Khu công nghiệp Phong Điền, phát triển đô thị công nghiệp động lực phía Bắc của tỉnh. Vùng Đông Nam sẽ phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III và gắn với Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Đặc biệt, việc xây dựng cảng Chân Mây thành cảng container và cảng du lịch sẽ tạo ra trung tâm giao thương quốc tế và điểm đến nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
>> Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao 600 tỷ đồng tại Quảng Ninh ấn định ngày vận hành
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tinh-mien-trung-sap-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-hut-nha-dau-tu-voi-san-bay-va-bai-dap-truc-thang-173962.html