Sáng ngày 28/10, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong giai đoạn 2015-2023, có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 11.191 ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thời gian qua thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung – cầu.
“Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân trong khi nhu cầu của người dân lớn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
NHIỀU DỰ ÁN NHÀ Ở CHẬM TRIỂN KHAI, ĐÌNH TRỆ, MẤT CÂN BẰNG CUNG – CẦU
Theo phân tích của đoàn giám sát, giai đoạn 2022-2023, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường bất động sản suy giảm, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn do những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2015 – 2021 được bộc lộ rõ hơn dưới áp lực của dịch Covid-19, diễn biến kinh tế – xã hội trong nước và thế giới, nguồn cung bất động sản giảm mạnh.
Một số lượng lớn dự án bất động nhà ở gặp vướng mắc, chậm triển khai, bị đình trệ, trong khi nguồn lực đã đầu tư là rất lớn, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng khó khăn và chi phí, từ đó, tăng giá bán sản phẩm.
Theo báo cáo của Chính phủ, căn cứ kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, tại Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc (đã xử lý 158 dự án, tiếp tục xử lý đối với 246 dự án); tại TP.HCM có 220 dự án vướng mắc (72 dự án do Tổ công tác yêu cầu, 148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổng hợp kiến nghị; đã xử lý 77 dự án, tiếp tục xử lý đối với 143 dự án).
Còn theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong khoảng 2 – 3 năm trở lại, thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt, sản phẩm nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước. Nhiều dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cũng chậm triển khai và phải điều chỉnh tiến độ; nhiều dự án có thời gian triển khai thực hiện lên đến 10 – 20 năm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp huy động vốn vượt quá khả năng cân đối dòng tiền để mở rộng quỹ đất, mở rộng đầu tư kinh doanh, sử dụng nhiều công cụ đòn bẩy tài chính, dẫn đến khi trình tự, thủ tục đầu tư kéo dài thì gánh nặng chi phí tài chính tăng cao, khó giảm giá bất động sản về với giá trị thực.
“Thời gian qua, giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại TP. Hà Nội và TP.HCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ ra.
CÔNG TÁC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VẪN LÀ KHÂU YẾU
Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật cả ở luật và văn bản quy định chi tiết thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 còn bất cập, phần lớn do việc tổ chức thực hiện các cấp, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ.
“Công tác tổ chức thực hiện pháp luật vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao. Các địa phương có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện các dự án trên địa bàn còn chưa sát sao, giải quyết thủ tục chưa kịp thời”, ông Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra một nguyên nhân khác là nhận thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật có nơi, có lúc chưa đầy đủ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật ở một số nơi còn chưa kịp thời, sát sao. Ý thức chấp hành pháp luật một số nơi còn chưa cao. Việc xử lý vi phạm pháp luật còn chậm, chưa kiên quyết.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên cơ sở kết quả giám sát, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thi hành các Luật mới được ban hành và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Trong quá trình xem xét, cho ý kiến về các luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và các luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định theo hướng tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, rõ ràng của hệ thống pháp luật; khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành; giải quyết được những vướng mắc trên thực tiễn.
Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, việc ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với các Luật mới ban hành.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản đã được nhận diện. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các văn bản đã ban hành; tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ và có giải pháp đồng bộ, cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc, yếu kém quản lý thị trường như nêu trong báo cáo báo cáo của đoàn giám sát.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ha-noi-va-tp-hcm-khong-con-can-ho-chung-cu-co-gia-phu-hop-voi-thu-nhap-cua-da-so-nguoi-dan.htm