Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng địa phương đưa ra mức khởi điểm không thực tế dẫn đến nhiều người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để kiếm lời.
Gửi báo cáo thi hành Luật Đất đai sửa đổi đến đại biểu Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng. Một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá và có dấu hiệu bỏ cọc. Hiện tượng này tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy hoạch chưa rõ ràng tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ đất diễn ra tràn lan. Nhiều cá nhân tham gia đấu giá không phải để ở mà chỉ nhằm mục đích đẩy giá, thổi giá, rồi bán lại để kiếm lời, gây nên tình trạng sốt đất ảo.
Điển hình là sự kiện đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Cơ quan quản lý cho biết tại huyện Thanh Oai vẫn còn 56/68 thửa đất trúng đấu giá chưa được nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế. Tại huyện Hoài Đức, con số này là 8/19 thửa đất.
“Địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài. Giá đất căn cứ Bảng giá hiện hành đã quá cũ, thấp hơn nhiều so với mặt bằng thực tế để làm giá khởi điểm”, báo cáo nêu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên cả nước và tổng hợp vướng mắc từ các bộ, ngành, địa phương. Bộ đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng rà soát Bảng giá đất hiện hành để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương; sớm xây dựng Bảng giá đất mới theo Luật Đất đai năm 2024 để từ thực hiện từ đầu năm 2026.
Trong quá trình điều chỉnh, địa phương phải phân tích kỹ, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất, tổ chức lấy ý kiến để đảm bảo sự đồng thuận, hạn chế phản ứng bất bình trong xã hội. Khi tổ chức đấu giá đất, địa phương phải công khai quy hoạch, điều chỉnh hợp lý giá đất trong Bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm; có thể quy định công khai trường hợp bỏ cọc nhằm hạn chế người lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Luật đấu giá tài sản sửa đổi thông qua hồi tháng 6 bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản mà không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người trúng đấu giá vi phạm sẽ bị cấm tham gia đấu giá với loại tài sản đó trong 6 tháng đến 5 năm. Quyết định cấm được thông báo cho người vi phạm, các tổ chức liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia. Quy định này nhằm ngăn chặn hành vi bỏ cọc, lũng đoạn thị trường, bảo đảm tính minh bạch, an toàn trong hoạt động đấu giá.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/gia-khoi-diem-khong-thuc-te-dan-den-truc-loi-trong-dau-gia-dat-4808976.html