Tôi vừa phụ Linh dọn nhà. Bạn ở một mình nhưng căn phòng 40 m2 – dạng chung cư mini ở quận Tư, TP HCM đầy ắp đồ đạc.
Trong quá trình dọn, tôi thấy nhiều món đồ còn khá mới nhưng Linh nói không thể dùng được nữa vì hỏng vặt. Một chiếc đèn ngủ đã nứt toác chụp đèn; hai chiếc quạt mini, cái chạy được thì gãy mất một cánh, cái còn nguyên cánh thì đã ngừng chạy không rõ lý do. “Giờ chỉ vứt đi, chứ mua có mấy chục ngàn, sửa chi cho tốn”, Linh nói. Vẫn còn mấy hộp sữa rửa mặt, phấn trang điểm, mặt nạ có tinh chất collagen bạn chưa bóc tem.
“Mình thấy rẻ nên mua”, Linh giải thích khi thấy tôi ngán ngẩm nhìn đống đồ lăn lóc khắp nhà.
Cứ mỗi cuối năm, Linh lại gom những thứ chưa dùng, hoặc chỉ dùng một lần mà không vừa ý đem đi cho chỗ này chỗ kia. Linh bảo như vậy cũng tốt, có cơ hội để làm việc thiện. Nhưng một người trong “nhóm hỗ trợ dọn nhà” chúng tôi không đồng tình, xem đó là cách bỏ rác nhân danh từ thiện. Việc thiện phải xuất phát từ tâm, có phát nguyện và trao những món còn có giá trị với mình mà người khác cũng đang cần.
Mua hàng không cần dùng đến là thói quen không chỉ mỗi Linh “dính” phải. Cảm giác mua một món hàng mà mình nghĩ rẻ hơn giá thực là một niềm vui, thậm chí, là một thứ gây nghiện. Các shop online hay ứng dụng thương mại điện tử hiểu rất rõ tâm lý này của người dùng, đã kích cầu bằng các chiến dịch khuyến mãi hoặc chính sách miễn phí giao hàng. Nỗi lo bỏ lỡ cơ hội mua hàng giá hời đã khiến khách hàng vội vã quyết định mà thiếu xem xét kỹ nhu cầu thực đối với món đồ.
Xu hướng mua hàng online phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua nhờ sự bùng nổ của công nghệ, với hàng loạt ứng dụng, kênh bán hàng trực tuyến, khiến người mua dễ dàng đặt hàng từ bất cứ đâu, chỉ với máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet. Điều này cũng phù hợp với quỹ thời gian hạn hẹp của người trẻ, khi họ muốn ưu tiên cho nhiều hoạt động khác.
Kết quả khảo sát thường niên 15.000 khách hàng của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo công bố đầu năm 2024 thể hiện, nhóm nhà bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu đồng đến một tỷ đồng và trên hai tỷ đồng đã tăng 3% so với năm 2022. Tuy giá trị đơn hàng trung bình có dấu hiệu sụt giảm (phổ biến ở mức dưới 300.000 đồng/đơn), nhưng nhóm có doanh thu cao trong ngành bán lẻ lại tăng lên.
Trong khi đó, theo báo cáo mới công bố của YouNet ECI – một công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử, trong quý II/2024, doanh thu theo tổng giá trị giao dịch (GMV) của các nhà bán hàng, mỗi gian hàng trên các sàn thu về 179 triệu đồng, tăng 9% so với quý trước. Đơn vị nghiên cứu ghi nhận tổng doanh thu của bốn sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki trong quý II đạt 87.370 tỷ đồng, tăng 10,4% so với quý I. Trong đó, Shopee chiếm 71,4% thị phần với GMV đạt 62.380 tỷ đồng. Xếp thứ hai là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%. Lazada và Tiki dần tỏ ra đuối sức chỉ còn chiếm lần lượt 5,9% và 0,7% thị phần.
Chín tháng qua, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 227.700 tỷ đồng, tương đương 8,9 tỷ USD mua hàng trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo.
Nhận thấy thị trường bán lẻ hấp dẫn này, hàng loạt trang thương mại điện tử của Trung Quốc, như Taobao, 1688 và gần đây nhất là Temu lần lượt mang theo cơn lốc hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Điện thoại của Linh cũng đã kịp cài Temu. Tôi hỏi, bạn còn cần gì nữa, Linh cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi: “Nghe nói rẻ lắm, và có nhiều chương trình khuyến mãi”.
Trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, Temu quả thực đang thu hút sự chú ý của người dùng bằng các chương trình chiết khấu cao trên mạng xã hội (còn gọi là tiếp thị liên kết), trò quay trúng phiếu giảm giá và các ưu đãi ngắn hạn. Không chỉ đánh vào sở thích mua rẻ, kênh bán hàng này còn tận dụng tốt hiệu ứng đám đông. Nhiều người mua vì khuyến mãi, vì ưu đãi, vì thấy người khác mua chứ không phải vì nhu cầu hoặc chất lượng sản phẩm.
Các chuyên gia đã phân tích vì sao các mặt hàng nguồn gốc Trung Quốc này có mức giá khá hấp dẫn: sản xuất hàng loạt, quy mô lớn; triệt tiêu các khâu trung gian, giảm chi phí kho vận; chất liệu rẻ tiền, mẫu mã gia công đơn giản… Những nguyên nhân này đều trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới khả năng người dùng mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa chất lượng kém. Các trang thương mại điện tử hầu hết đều đi kèm với chính sách đổi trả. Tuy nhiên, người dùng thường có xu hướng tặc lưỡi bỏ qua, cũng do tâm lý “giá rẻ, chẳng đáng là bao”.
Thương mại điện tử càng phát triển, mua sắm online càng dễ dàng bao nhiêu, người dùng lại càng cần tỉnh táo bấy nhiêu để biết dừng lại trước các chiến lược thao túng bằng giá rẻ, giá hời. Tôi vẫn tin vào kinh nghiệm mua bán đã được đúc kết “tiền nào của nấy”, “ăn chắc mặc bền”, để chỉ mua vừa đủ dùng.
Tỷ phú Warren Buffett từng nói: “Nếu bạn mua những thứ không cần thiết, bạn sẽ sớm phải bán đi những thứ mình cần”.
Lưu Đình Long
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuon-theo-hang-gia-re-4808614.html