Tổng hợp số liệu từ trang thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong quý 2/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý 1/2023 và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 17.281 tỷ đồng, chiếm 89,6% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành ra công chúng mỗi đợt là 2.000 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng giá trị phát hành.
TẤT BẬT ĐÀM PHÁN GIA HẠN NỢ VÀ MUA LẠI TRÁI PHIẾU TRƯỚC HẠN
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán VnDirect, bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong quý 2 khi chiếm hơn 34,9% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 29% tổng giá trị phát hành, nhóm tập đoàn đa ngành và nhóm logistics chiếm lần lượt là 10,4% và 8,5% tổng giá trị phát hành, các nhóm ngành nghề khác chiếm 17,2% tổng giá trị phát hành.
Kể từ ngày 5/3/2023, Nghị định 08/2023/ND-CP có hiệu lực, được ví như chiếc phao cứu sinh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định 08: (1) cho phép doanh nghiệp phát hành gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm với tỷ lệ đồng thuận từ 65% trở lên; (2) trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không có khả năng chi trả theo nghĩa vụ sẽ cho phép sử dụng các tài sản khác thay thế để hoàn thành nghĩa vụ; (3) tạm ngưng các yêu cầu khắt khe trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến hết năm 2023 như định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành bất động sản; đưa ra các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành bao gồm các vấn đề về tài chính và khó khăn pháp lý.
Tiếp đến, ngày 24/4/2023 Thông tư 03/2023/TT-NHNN có hiệu lực, cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã phân phối trong vòng 12 tháng.
Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành vào tháng 3 cho phép các doanh nghiệp phát hành gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu, giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán đã có xu hướng giảm đáng kể. Các doanh nghiệp lớn, phát hành lượng trái phiếu giá trị cao như Novaland, Phát Đạt,… cũng đã đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trả nợ trái phiếu với các nhà đầu tư. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy chính sách cho phép giãn nợ của Nhà nước đã có hiệu quả tích cực, giảm áp lực lên hệ thống tài chính trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại.
Cập nhật từ thị trường, đến ngày 26/6/2023 đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42 nghìn tỷ đồng. Thời gian gia hạn của các lô trái phiếu đã được gia hạn đa dạng từ 1 – 24 tháng. Lãi suất trái phiếu được tính trong khoảng thời gian trái phiếu được gia hạn phần lớn cũng được thỏa thuận tăng so với lãi suất ban đầu của trái phiếu, với mức tăng từ 0,5 – 3% tùy theo khoảng thời gian gia hạn của trái phiếu.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, việc gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn được cho là giải pháp tốt nhất giúp tổ chức phát hành có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng như tạo ra đủ dòng tiền để thanh toán cho các khoản nợ trái phiếu của mình. Mặc dù giải pháp này có thể khiến họ phải gia tăng thêm chi phí tài chính trong tương lai. Hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu được giới phân tích nhận định tiếp tục sôi động trong 6 tháng còn lại của năm 2023.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động mua lại trước hạn bất ngờ gia tăng. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2 đạt hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với quý 1 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5 (số liệu được tổng hợp theo thông tin HNX công bố đến ngày 26/6/2023).
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn tăng mạnh trong quý 2 được thúc đẩy bởi nhóm ngân hàng. Trong quý 2, nhóm ngân hàng đã mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn, trong quý 1 nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng.
NỖ LỰC CẢI THIỆN TÂM LÝ NHÀ ĐẦU TƯ
Theo giới phân tích, nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình.
Theo ước tính của HNX, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 đạt 252 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2022); trong đó, có xấp xỉ 160 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào giai đoạn quý 2-3 năm 2023.
Dù Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành cho phép trái chủ đàm phán giãn thời hạn trả nợ trái phiếu, tính đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.
Thông tin tiêu cực trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, khiến dòng vốn huy động qua kênh trái phiếu khó mà hồi phục. Đây sẽ là yếu tố tiêu cực với các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn lớn qua kênh trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
“Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách giúp doanh nghiệp bất động sản giãn, hoãn các khoản nợ, kéo dài thời gian trả nợ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP; Thông tư 02/2023/TT-NHNN… Tuy nhiên, những chính sách này chỉ có tác động giúp các doanh nghiệp cầm chừng. Thay vì đóng băng tại thời điểm này thì kéo dài tình trạng thoi thóp và chuyển sang đóng băng tại thời điểm khác”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tỏ ra bi quan.
“Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm trên toàn cầu là một rủi ro bất khả kháng, không chỉ với Việt Nam mà xảy ra trên toàn thế giới, khiến mọi hoạt động kinh tế đều đứt gãy, dẫn tới thanh khoản của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng bị vắt như một cái khăn..”
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.
Thời gian qua, cầu trên thị trường bất động sản sụt giảm đáng kể do: (i) sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn với khách hàng; (ii) lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn, thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng; (iii) niềm tin vào thị trường bất động sản ngày càng sụt giảm; (iv) khó khăn trong việc vay vốn mua bất động sản; (v) một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế chung.
Theo thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và quý 1 năm 2023 có chiều hướng đi xuống. Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018.
Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1 năm 2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Có thể thấy, cơn bĩ cực còn đang ở phía trước đối với các tổ chức phát hành trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản.
CẦN HÌNH THỨC HỖ TRỢ PHÙ HỢP
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm trên toàn cầu là một rủi ro bất khả kháng, không chỉ với Việt Nam mà xảy ra trên toàn thế giới.
“Đại dịch khiến cho mọi hoạt động kinh tế đều đứt gãy, dẫn tới thanh khoản của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng bị vắt như một cái khăn. Chi phí thì vẫn phải bỏ ra nhưng nguồn thu thì không có hoặc bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều đó dẫn tới năng lực tài chính của các doanh nghiệp bị suy yếu. Ở khắp nơi trên thế giới, sau đại dịch là khủng hoảng nợ. Không chỉ khủng hoảng nợ tư nhân mà nhiều nước đã khủng hoảng nợ công. Chính vì vậy, những giải pháp giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch phải khác với bình thường vì chúng ta phải ứng phó với các rủi ro bất khả kháng trên quy mô lớn”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.
Theo ông Quỳnh, kể cả các doanh nghiệp rất mạnh cũng bị yếu đi sau đại dịch và cần có sự hỗ trợ để có thời gian, điều kiện tái cấu trúc lại nợ và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà là vấn đề của cả quốc gia. Bởi lẽ, tất cả các nước đều khó khăn sau đại dịch nếu như chính phủ nào có giải pháp đúng thì sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế.
Để làm được điều đó, Tổng thư ký VBMA kiến nghị không đánh đồng các doanh nghiệp mà nên có sự phân loại để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Khi các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trở lại thì chất lượng nợ sẽ tăng lên, từ đó niềm tin của nhà đầu tư (bên cho vay) mới trở lại.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam