Những ai đam mê đọc sách điện tử (ebook) thì có lẽ chẳng xa lạ gì với các dòng máy đọc sách như Amazon Kindle, Kobo, Onyx, PocketBook… Các mẫu máy đọc sách chuyên dụng này có giá khá đa dạng, từ loanh quanh 1 triệu đồng tới gần 20 triệu đồng cũng có. Thậm chí với những ai đang có sẵn máy tính bảng như iPad thì có thể tận dụng ứng dụng Books có sẵn để đọc sách điện tử với dịnh dạng EPUB phổ biến.
Thế nhưng, thời gian qua, tôi đã có dịp được trải nghiệm một chiếc “máy đọc sách” cực kỳ đặc biệt tới từ Samsung, mà giá bán của nó được niêm yết tới hơn 40 triệu đồng. Máy gì mà lạ thế nhỉ?
Thực ra chiếc máy mà tôi đề cập chính là chiếc Galaxy Z Fold6.
Đọc sách trên Galaxy Z Fold6, tại sao không?
Chắc hẳn khi tôi nhắc tới việc đọc sách điện tử trên một chiếc điện thoại di động, sẽ không ít người sẽ nghĩ rằng dù là smartphone hay tablet, dù là màn hình LCD hay AMOELD “xịn sò” tới đâu thì cũng không thể nào thay thế được màn hình e-ink tuyệt vời trên các mẫu máy đọc sách chuyên dụng. Ý kiến này hoàn toàn đúng và tôi không hề phủ nhận. Tuy nhiên, như đã đề cập, tôi đã có dịp trải nghiệm thử khả năng đọc sách của chiếc Galaxy Z Fold6, và cảm thấy khá bất ngờ về tính tiện lợi mà chiếc máy này mang lại.
Việc Galaxy Z Fold6 được tận dụng màn hình kích thước lớn để làm việc, giải trí thì đã có nhiều bài viết nói về vấn đề này, nhưng sử dụng chính chiếc Galaxy Z Fold6 để đọc sách thì có lẽ không phải ai cũng nghĩ tới.
Là một người dùng Kindle Oasis 3 cũng khá lâu, ngay khi cầm trên tay chiếc Galaxy Z Fold6, tôi lập tức liên tưởng ngay tới chiếc Oasis 3 bởi cả 2 thiết bị này có kiểu dáng thiết kế khá tương đồng nhau. Đây cũng là lúc tôi nảy ra ý tưởng tạm thời cho chiếc Oasis 3 “nghỉ ngơi” một thời gian để chuyển qua đọc sách trên Galaxy Z Fold6 thử xem sao.
Nói qua chút về màn hình của Galaxy Z Fold6. Samsung trang bị màn hình Foldable Dynamic LTPO AMOLED 2X kích thước 7,6 inch, tỷ lệ hiển thị gần như vuông. Màn hình này là màn hình linh hoạt, có thể gập mở lại dễ dàng. Ưu điểm của màn hình này thì có lẽ không phải bàn cãi: độ chi tiết cao, màu sắc sống động, chất lượng hiển thị thuộc top đầu thị trường. Nhưng tất nhiên, nó cũng đi kèm với một nhược điểm, tới từ việc đây là một màn hình dẻo và nó tồn tại nếp nhăn ở chính giữa màn hình, cũng như đôi khi hơi gây khó chịu do màn hình có những vết lồi lõm.
Cầm trên tay chiếc Galaxy Z Fold6, tôi tải ngay ứng dụng Amazon Kindle để đồng bộ kho sách đang đọc trên chiếc Oasis 3 của tôi. Chỉ mất một vài phút, toàn bộ kho sách đã được đồng bộ lên chiếc Galaxy Z Fold6. Tôi mở ngay cuốn “Những ngày tươi đẹp” của tác giả Jennifer Niven ra để đọc.
Trải nghiệm ra sao?
Nếu bỏ qua yếu tố Galaxy Z Fold6 không có màn hình e-ink ra thì có lẽ trải nghiệm đọc sách trên chiếc điện thoại gập này cũng tương đối ổn. Tôi đánh giá trải nghiệm được khoảng 8 điểm so với một chiếc máy đọc sách chuyên dụng như Kindle Oasis 3.
Viền màn hình của Galaxy Z Fold6 có lẽ phải mỏng hơn tới 4 – 5 lần so với viền trên Kindle Oasis 3
Trước tiên, Kindle Oasis có một báng cầm ở một nửa cạnh bên để khi cầm bằng một tay, cảm giác cực kỳ chắc chắn dù bạn cầm bằng tay trái hay tay phải đi chăng nữa
Khi gắn lên chiếc Galaxy Z Fold6 thì trông sẽ như thế này
Ưu điểm khi dùng Galaxy Z Fold6 đọc sách:
– Màn hình màu, sáng, đẹp
– Tải sách về import trực tiếp vào ứng dụng Kindle không cần đồng bộ
– Chuyển trang không bị lag như màn hình e-ink
– Đọc truyện tranh hoặc truyện trên web ngon nghẻ
– Thiết kế đẹp, rất đẹp
Nhược điểm:
– Không có tính công thái học, cầm đọc sách trong thời gian dài bạn sẽ mỏi tay trước khi mỏi mắt
– Màn hình AMOLED không lý tưởng để đọc sách
– Màn hình dẻo của Galaxy Z Fold6 phản chiếu ánh sáng khá nhiều, một số khu vực lồi lõm nên khi đọc sách ở điều kiện ánh sáng mạnh sẽ hơi khó dù màn hình này có độ sáng rất cao
– Dễ gây xao nhãng khi có thông báo tin nhắn, email… mà không bật chế độ Không làm phiền
– Chỉ nên đọc khoảng 30 phút tới 1 giờ mỗi ngày nếu không mắt sẽ mỏi
– Giá quá cao cho một thiết bị đọc sách
Kết luận
Có thể thấy, sau một thời gian ngắn trải nghiệm Galaxy Z Fold6 để đọc sách, với những ưu và nhược điểm kể trên, tôi sẽ vẫn lựa chọn quay về với chiếc Kindle Oasis 3 của mình để có trải nghiệm đọc sách tốt nhất.
Suy cho cùng, cốt lõi của vấn đề đọc sách điện tử vẫn là trải nghiệm, mà một trong số đó chính là tới từ màn hình e-ink đặc biệt, vốn được thiết kế để thân thiện với mặt người khi đọc sách. Galaxy Z Fold6 dù có cấu hình mạnh mẽ, thiết kế đẹp, màn hình AMOLED “xịn sò” nhưng lại khó đáp ứng được nhu cầu đọc sách điện tử cơ bản. Bởi vậy, Galaxy Z Fold6 đối với tôi cuối cùng thì sẽ vẫn là một phương án backup phòng trường hợp có đôi khi tôi quên chiếc máy đọc sách của mình ở nhà. Lúc này, mở chiếc Galaxy Z Fold6 ra để đọc một vài chương sách cũng không phải là một ý tưởng quá tệ!
MUA MÁY ĐỌC SÁCH AMAZON KINDLE OASIS 3:
• Giá: từ hơn 4 triệu đồng
MỘT SỐ MÁY ĐỌC SÁCH GIÁ RẺ:
• Giá bán có thể thay đổi mà không báo trước.
Nguồn tin: https://genk.vn/toi-dung-may-doc-sach-gia-40-trieu-dong-va-cai-ket-20241023205737259.chn