Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất thu thập dữ liệu về tình trạng bệnh, nghề nghiệp, tuổi của bệnh nhân để phân tích xu hướng bệnh tật nhằm quản trị Nhà nước về y tế.
Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Dữ liệu. Giáo sư Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nói hiện nay tất cả ngành, lĩnh vực đều điều tra, khảo sát và có cơ sở dữ liệu riêng. Đây là nguồn tài nguyên số giúp nghiên cứu, phân tích nhiều vấn đề và hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên tại dự thảo, Chính phủ mới đề cập việc quản lý, liên thông và chia sẻ dữ liệu phi cá nhân, không đề cập đến dữ liệu cá nhân.”Tôi cho rằng cần phải đưa quy định về chia sẻ dữ liệu cá nhân vào, cái gì được phép và cái gì không được phép khai thác”, ông Cường nói.
Theo giáo sư Cường, dữ liệu cá nhân về tình trạng bệnh tật, tuổi, sức khỏe là bí mật, song nếu tách tên, địa chỉ thì những dữ liệu này có thể khai thác mà không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người dân. “Với dữ liệu về bệnh tật, tuổi, tình trạng gia đình, nghề nghiệp thì đương nhiên qua phân tích có thể nhìn nhận được xu thế phát triển bệnh nghề nghiệp và đưa ra quyết định về quản trị Nhà nước”, ông Cường nói.
Đại biểu Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với đại biểu Cường rằng nếu nhà khoa học được tiếp cận với dữ liệu y tế thì phân tích, nghiên cứu được rất nhiều chính sách. “Chỉ cần dữ liệu bệnh tật, số tiền chi tiêu, số loại thuốc trong một năm của người bệnh Việt Nam là có thể dùng thuật toán chạy ra hết được các xu hướng bệnh”, ông Quân nói, đề nghị dự luật nêu rõ các trường dữ liệu cho phép khai thác, chia sẻ, kết nối vì mục đích khoa học, nghiên cứu.
Ông cũng cho rằng khi có hành lang pháp lý đầy đủ, việc thu thập, phân tích dữ liệu sẽ được thực hiện hiệu quả trong các mô hình kinh doanh, khởi nghiệp. Thực tế là các sàn thương mại điện tử sử dụng những thuật toán rất hiệu quả để phân tích xu thế của người mua hàng, từ đó gợi ý các sản phẩm thông qua thói quen lướt internet. Trong chiến dịch bầu cử ở nhiều quốc gia, các bên cũng sử dụng dữ liệu để nắm bắt tâm lý người dân, đưa ra chiến lược tranh cử.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết hơn về thu thập, chia sẻ các loại dữ liệu sinh trắc học bởi công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện nay đã rất phổ biến. Nhiều cơ quan, trường học không cần thẻ ra vào vẫn quản lý hiệu quả nhân sự và đảm bảo an ninh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần quy định chi tiết việc chia sẻ và sử dụng cơ sở dữ liệu liên thông cho mục đích nghiên cứu. Theo dự luật, việc chia sẻ các dữ liệu này chỉ được giao thẩm quyền cho bộ trưởng và lãnh đạo tương đương, trong khi dữ liệu rất đa dạng, các bộ không quản lý được hết.
Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất 8 nhóm dữ liệu không được phép công khai, gồm dữ liệu cá nhân không được chủ thể dữ liệu đồng ý; dữ liệu là bí mật nhà nước; dữ liệu tác động đến quốc phòng, an ninh; dữ liệu nếu công khai sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, quan hệ quốc tế; dữ liệu có thể ảnh hưởng đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Dự luật cũng nêu nhóm dữ liệu được công khai có điều kiện, gồm dữ liệu liên quan đến bí mật kinh doanh; đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Thông tin này chỉ được phép tiếp cận trong trường hợp chủ thể đồng ý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan nhà nước được cung cấp dữ liệu trên vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng mà không cần có sự đồng ý.
Dự kiến, dự án Luật Dữ liệu sẽ được xem xét thông qua vào cuối tháng 11, theo quy trình một kỳ họp.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-thu-thap-du-lieu-de-phan-tich-xu-huong-benh-tat-dan-cu-4808063.html