Trong một quyết định đầy bất ngờ mới đây, hãng ARM đã gửi thông báo tới đối tác lâu năm của mình, hãng Qualcomm và cho biết sẽ hủy bỏ giấy phép sử dụng kiến trúc ARM để thiết kế chip. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Qualcomm – với doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm – mà còn liên quan đến cả thế giới Android với hàng trăm triệu thiết bị đang sử dụng bộ xử lý của công ty này.
Nhưng tại sao 2 công ty vốn là đối tác thân thiết của nhau từ nhiều năm nay, giờ lại ở vào thế đối đầu nhau gay gắt đến như vậy?
Trước đó vào năm 2022, hãng ARM từng khởi kiện Qualcomm với cáo buộc công ty này vi phạm điều khoản hợp đồng khi thâu tóm hãng Nuvia – một công ty khác được ARM cấp phép sử dụng kiến trúc của mình. Thương vụ thâu tóm này rất quan trọng với Qualcomm khi cho phép công ty này tích hợp công nghệ của Nuvia vào các bộ xử lý Snapdragon dành cho laptop cũng như cải thiện hiệu năng của chúng trên smartphone.
Đây chính là khởi nguồn cho tranh chấp của 2 công ty này từ vài năm nay. Theo ARM, khi mua lại Nuvia, Qualcomm phải thương lượng lại các điều khoản hợp đồng về thỏa thuận cấp phép với hãng thiết kế chip này. Tuy nhiên, Qualcomm cho rằng thỏa thuận hiện tại trong hợp đồng đã bao gồm các hoạt động của công ty mà họ mua lại.
Công nghệ mà Nuvia nắm giữ trở thành một yếu tố quan trọng đối với Qualcomm. Thiết kế vi xử lý của công ty này trở thành trung tâm trong bộ xử lý máy tính trên nền ARM để Qualcomm cung cấp các nhà sản xuất máy tính như HP, Microsoft và Asus. Thậm chí mới đây, Qualcomm còn cho biết họ đang lên kế hoạch đưa thiết kế chip của Nuvia sang các chip Snapdragon dành cho smartphone.
Trong khi đó ARM lại yêu cầu Qualcomm không được sử dụng và phải phá hủy các thiết kế chip được Nuvia tạo ra trước thương vụ sáp nhập này. Theo đó, các thiết kế này sẽ không được chuyển giao cho Qualcomm nếu không có sự cho phép của ARM. Sau khi sáp nhập với Qualcomm, giấy phép của Nuvia với ARM cũng bị hủy bỏ vào tháng Hai năm 2023 sau khi các cuộc đàm phán giữa 2 công ty không tìm được giải pháp.
Nhưng đằng sau tranh chấp pháp lý này còn một nguyên nhân sâu xa liên quan đến chiến lược phát triển của mỗi công ty dưới sự lãnh đạo mới.
Đối với ARM, dưới quyền CEO Rene Haas, công ty đang chuyển hướng sang cung cấp các thiết kế chip hoàn chỉnh hơn – thay vì chỉ là các kiến trúc tập lệnh – để công ty có thể cung cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất thiết bị như Microsoft, HP hay Asus. Nói cách khác, cách tiếp cận này sẽ khiến ARM đối đầu trực tiếp với các đối tác lâu năm của mình như Qualcomm.
Trong khi đó, Qualcomm dưới quyền CEO Cristiano Amon cũng đang dần hạn chế sự phụ thuộc vào các thiết kế của ARM và ưu tiên sử dụng những thiết kế của riêng mình – điều này cũng dần làm cho mối quan hệ đối tác giữa Qualcomm và ARM trở nên ngày càng xa cách hơn.
Ngoài ra, Qualcomm cũng đang tích cực khai phá các mảng kinh doanh mới, phần lớn liên quan đến thị trường máy tính – nơi ARM cũng đang nỗ lực tiến vào. Tuy nhiên, công nghệ và mối quan hệ giữa 2 công ty này vẫn đang gắn bó chặt chẽ với nhau khi Qualcomm vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc về công nghệ với ARM.
Với vị thế của Qualcomm trên thị trường smartphone Android, cuộc chiến này có thể để lại những hệ quả sâu rộng không chỉ cho hai công ty mà còn cho toàn bộ ngành công nghiệp di động. Diễn biến trong 60 ngày tới sẽ là khoảng thời gian quan trọng quyết định tương lai của mối quan hệ này và có thể tác động đến hướng phát triển của công nghệ smartphone trong những năm tới.
Nguồn tin: https://genk.vn/dang-la-doi-tac-than-thiet-tai-sao-arm-va-qualcomm-lai-tro-mat-thanh-thu-nguyen-nhan-khong-chi-co-mot-20241023192035304.chn