Năm 60 tuổi, võ sư Trung Quốc Hoàng Phi Hồng thi triển võ đài làm bắn giày vào mặt cô gái 19 tuổi, bị cô tát, sau đó ông hỏi cưới nàng.
Đầu tháng 10, trang The Paper trích đăng cuốn Huyền thoại Hoàng Phi Hồng và văn hóa Lĩnh Nam của tiến sĩ Lịch sử người Hong Kong Trương Úc, xoay quanh sự nghiệp, đời tư của võ sư.
Vì là thành viên của Hiệp hội nhà sưu tầm Hong Kong, tác giả thu thập được những tài liệu hiếm liên quan Hoàng Phi Hồng. Ông còn được Lý Xán Oa – con nuôi của bà Mạc Quế Lan (vợ Hoàng Phi Hồng) – ủng hộ, cung cấp những thông tin quanh hôn nhân Hoàng Phi Hồng và Mạc Quế Lan.
Hoàng Phi Hồng sinh năm 1850 ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là người say mê võ thuật. Năm 12 tuổi, ông dùng côn pháp, đánh bại võ sư danh tiếng đương thời là Trịnh Đại Hùng, từ đó nổi tiếng, được gọi là “thiếu niên anh hùng”. Năm 19 tuổi, Hoàng Phi Hồng bị một nhóm trộm tấn công, một mình ông đánh thắng toán trộm cướp. Theo dân gian lưu truyền, Hoàng Phi Hồng từng can ngăn, chống lại đám đông có vũ khí ăn hiếp kẻ yếu, vì thế ông trở thành biểu tượng anh hùng của những người bị áp bức.
Theo cuốn sách, dù có một số ghi chép về chiến tích thực chiến, sự nghiệp chính của Hoàng Phi Hồng tập trung vào giảng dạy võ thuật và chữa bệnh. Ông được mời dạy võ năm 16 tuổi, sau đó mở phòng khám Bảo Chi Lâm, từng chữa khỏi bệnh cho các nhân vật có tiếng tăm.
Võ sư trải qua bốn đời vợ và có 10 người con. Ông kết hôn lần đầu năm 24 tuổi, vợ họ La, bà mất sớm vì bệnh tật. Võ sư cưới lần hai năm 46 tuổi, người vợ cũng mắc bệnh, qua đời. Năm 52 tuổi, Hoàng Phi Hồng đi bước nữa với bà Sầm, có người con thứ 10. Ông bị cho là mệnh “khắc vợ” do bà Sầm cũng chết sớm.
Năm 60 tuổi, Hoàng Phi Hồng được mời biểu diễn võ thuật ở Phật Sơn, gần diễn xong, giày vải của ông văng trúng trán Mạc Quế Lan – cô gái 19 tuổi. Mạc Quế Lan nhặt giày vải lên khán đài, ném trước mặt Hoàng Phi Hồng, chẳng nói chẳng rằng tát ông hai cái. Theo cô, võ sư lớn như Hoàng Phi Hồng không nên để xảy ra sơ suất như vậy.
Hoàng Phi Hồng chắp tay xin lỗi thiếu nữ, sau đó người nhà họ Mạc tìm ông tạ lỗi. Mạc Quế Lan học võ từ bé, cũng am hiểu về y học. Bà tính cách ương bướng, nghịch ngợm như con trai. Khi người mai mối đến nhà, hoặc là đàng trai chê Quế Lan ngang ngược, hoặc là bà chê đàng trai không ra dáng nam nhi.
Hoàng Phi Hồng hâm mộ tính cách của Mạc Quế Lan, mở lời đề nghị thành thân với bà. Do võ sư mang tiếng “khắc vợ”, bấy giờ bà Quế Lan về nhà chồng với danh nghĩa người thiếp. Từ đó, Mạc Quế Lan học võ thuật của chồng, quán xuyến việc bếp núc, chế thuốc, chữa bệnh ở phòng khám Bảo Chi Lâm. Hoàng Phi Hồng chỉ dẫn các tuyệt kỹ của ông cho vợ.
Cuối đời, Hoàng Phi Hồng gặp nhiều kiếp nạn. Hoàng Hán Sâm – con trai mà ông đánh giá cao năng lực, được truyền thụ võ công – chết sớm do bị kẻ gian mưu hại. Từ đó, Hoàng Phi Hồng không truyền võ cho con cái, ông qua đời năm 1924.
Mạc Quế Lan không có con, sau khi chồng mất, bà cùng hai con của chồng đến Hong Kong mưu sinh, thành lập võ quán mang tên chồng. Năm 1950, bà làm chỉ đạo võ thuật, cố vấn khi diễn viên Quan Đức Hưng đóng phim Hoàng Phi Hồng. Bà qua đời năm 1982.
Cuộc đời, tình yêu của võ sĩ nhiều lần lên phim. Từ năm 1949 đến nay, hơn 100 tác phẩm điện ảnh đề tài Hoàng Phi Hồng ra rạp Hong Kong, ông trở thành biểu tượng võ thuật trên màn ảnh. Từ 1949 đến 1970, Quan Đức Hưng đóng tổng cộng 68 phim chủ đề này, lập kỷ lục Guinness series phim điện ảnh dài nhất.
Bà Mạc Quế Lan là nguyên mẫu vai Dì Mười Ba trong nhiều phim điện ảnh về Hoàng Phi Hồng. Ở series do Lý Liên Kiệt đóng chính, Dì Mười Ba (Quan Chi Lâm) được ví là dấu son tươi tắn, đại diện cho sự đổi mới của thời đại. Nàng trẻ trung, hiện đại, du học phương Tây, giỏi ngoại ngữ, tư tưởng cởi mở, làm cho Hoàng Phi Hồng đổi mới theo. Diễn tiến tình cảm giữa Dì mười ba và Hoàng Phi Hồng tạo nét lãng mạn, đáng yêu cho tác phẩm.
Nghinh Xuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-tinh-ngoai-doi-cua-vo-su-hoang-phi-hong-4806615.html