Ngày 17/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh (CIEMB 2024).
Sự kiện đã nhận được sự quan tâm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và giảng viên đến từ Úc, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Phần Lan, Indonesia… nhằm phát triển các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng bền vững và phát triển toàn cầu.
Phác thảo những nét nổi bật về kinh tế thế giới, GS. Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI), cho rằng hiện nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh, kinh tế châu Âu có lẽ đang phát triển chậm hơn đôi chút. Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc đang gặp vấn đề về đất đai và bất động sản nên nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc đang tương đối thấp, đã có một số thảo luận về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về điều này.
Mặt khác, GS. Peter J. Morgan không nhận thấy có suy thoái kinh tế toàn cầu hay điều gì tương tự, vì vậy, bối cảnh toàn cầu có phần thách thức nhưng không quá tệ.
Trong bối cảnh này, đại diện Viện ABDI cho rằng Việt Nam cần thực hiện các cải cách cần thiết và hợp lý thì nền kinh tế vẫn có thể phát triển tương đối ổn định. Theo đó, trước mắt, Việt Nam cần thay đổi, đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện phát triển nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh tế số đang phát triển khá nhanh nhưng Việt Nam đang khó theo kịp được tốc độ này. Để giải quyết vấn đề đó, nền tảng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng nhằm cải thiện chất lượng nhân lực và nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hoá. Điều này cũng rất quan trọng để cải thiện và nâng mức thu nhập trung bình của Việt Nam.
Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng các thành tố của tổng cầu dù đã có những bước tăng trưởng tốt hơn năm ngoái nhưng nếu so với giai đoạn trước Covid thì vẫn còn ở khoảng cách khá xa.
“Có lẽ đây là thời điểm mà chúng ta cần tập trung vào những chính sách về phía cung và những chiến lược về phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Đây là những cơ sở rất quan trọng phát triển tổng cung trong dài hạn và đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong tương lai”.
GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Việt Nam vừa trải qua cơn bão số 3, thiệt hại gây ra rất nặng nề, gây thách thức cho nền kinh tế để đạt được mức tăng trưởng tích cực như đề ra. Ông Thành cho rằng những khó khăn vừa qua chắc chắn khiến khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nợ xấu cũng có thể gây những thách thức lớn.
“Trong quý 4/2024, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tốt theo đúng kỳ vọng, chủ yếu là dựa vào việc tăng trưởng của các thành tố như: tiêu dùng và đầu tư khu vực công, đây là hai trụ cột chính để Việt Nam có thể tăng trưởng tốt hơn trong năm nay”, ông Thành nhìn nhận.
Bên cạnh chuyển đổi số, các diễn giả đều nhắc đến những xu hướng mới của thế giới về xu hướng chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa nền kinh tế thế giới vượt qua những khó khăn trong ngắn và dài hạn. Hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai rất nhiều các chiến lược về phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế xanh.
GS. Paul Burke, từ Đại học Quốc gia Úc (Úc), cho rằng năng lượng sạch có tiềm năng rất lớn ở Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Đối với năng lượng gió, Việt Nam có nguồn tài nguyên ngoài khơi rất mạnh. Thế nhưng, việc chuyển sang năng lượng mặt trời và năng lượng gió chỉ mới bắt đầu.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đặt ra mục tiêu đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo trong nguồn cung cấp năng lượng khoảng 65-70% vào năm 2045, kế hoạch phát triển điện 8 cũng đề ra mục tiêu năng lượng mặt trời và gió sẽ đóng góp hơn 60% tổng công suất phát điện lắp đặt vào năm 2050. GS. Paul Burke cho rằng các chính sách cần được thiết kế tốt để thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng sạch.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/di-tim-dong-luc-tang-truong-dai-han-de-viet-nam-phat-trien-ben-vung-va-but-toc.htm