Mong mỏi thiết thực
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có mặt tại Thường Tín, Hà Nội và ghi nhận những tổn thất tại một số doanh nghiệp do ảnh hưởng sau khi cơn bão số 3 đi qua. Dù có sự chuẩn bị từ sớm như kê cao hàng hoá, gia cố mái tôn nhưng với sức gió rất mạnh, cộng thêm mưa ngập, Công ty TNHH Lông Vũ Thanh Tân vẫn chịu thiệt hại nặng nề. Trong đó, tường và mái tôn bị đổ sập đã khiến dàn 6 máy bị hỏng hóc, mỗi máy trị giá tới 500 triệu đồng, tức là thiệt hại ít nhất đã là 3 tỷ đồng.
Chia sẻ về những tổn thất của doanh nghiệp trước sức tàn phá của cơn bão Yagi, bà Trần Thị Thanh, đại diện doanh nghiệp cho biết, con số này chưa kể số lượng lớn hàng hoá lông vũ bị ngập nước; tiền công thợ sửa chữa do máy móc có tính đặc thù, phải chờ thuê thợ từ Trung Quốc sang. Cơ sở hạ tầng và máy móc hư hại còn khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động ít nhất 1 tháng. Trước đây, mỗi tháng doanh nghiệp có thể sản xuất từ vài ba container, nay vừa trễ hẹn với đối tác, vừa khiến hàng chục công nhân phải tạm nghỉ.
Với những thiệt hại này, bà Thanh đề nghị các cơ quan quản lý, trong đó có ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí, giảm lãi suất, cũng như gia hạn thời gian trả nợ do còn dư nợ khoảng 4 tỷ đồng.
Giám đốc Kinh doanh của Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) Nguyễn Xuân Thăng cho biết, dưới ảnh hưởng của bão số 3, không chỉ TYGICO mà nhiều doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Ninh Sở (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) bị ngập lụt, khiến nước tràn vào nhà xưởng, thiệt hại về máy móc, thiết bị, gây đình trệ sản xuất. Hiện đã cơ bản khắc phục được thiệt hại, khôi phục sản xuất kinh doanh, nhưng cũng cho thấy hệ thống thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng tại đây còn nhiều hạn chế, cần được cải thiện.
Trên thực tế, khi quyết định đầu tư vào đâu, doanh nghiệp đều được chính quyền địa phương cam kết về giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hạn chế những rủi ro về thiên tai, bão lũ. Nhưng những khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng tốt thì giá thành thuê đất, chi phí vận hành cao trong khi nguồn lực của các doanh nghiệp có hạn.
Các doanh nghiệp hoạt động đều phải tính đến bài toán chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, các doanh nghiệp rất mong cơ quan chức năng cải thiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí hoặc có ưu đãi đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chất lượng cao.
Trước mắt, các doanh nghiệp cũng đang rất trông đợi vào những chính sách hỗ trợ có tác động ngay của Chính phủ về giảm thuế, lãi suất cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại sau bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn, những hỗ trợ kịp thời vừa giúp doanh nghiệp giảm đi phần nào gánh nặng, vừa là động lực về mặt tinh thần cho các doanh nghiệp tiếp tục khắc phục hậu quả, trở lại sản xuất và phát triển hơn trong tương lai.
Mong cải thiện cơ sở hạ tầng
Siêu bão số 3 đã để lại rất nhiều hậu quả nặng nề. Đời sống Nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực nên rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp từ cơ quan quản lý.
Với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa vừa, siêu nhỏ thì vấn đề cơ sở hạ tầng còn rất nhiều nan giải. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thăng cho biết, diện tích sản xuất và lưu kho đang chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp mong được chuyển đến khu công nghiệp có hạ tầng tốt hơn, diện tích rộng rãi hơn và thuận tiện hơn cho giao thông.
“Trở ngại lớn nhất là giá thuê đất tại các khu công nghiệp mới, hiện đại thường cao, không phù hợp với khả năng tài chính của đa số doanh nghiệp” – Ông Nguyễn Xuân Thăng ngậm ngùi.
Từ thực tế về sức tàn phá của cơn bão Yagi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) Hoàng Hữu Thắng nêu giải pháp, các cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đổi mới sáng tạo với chi phí mặt bằng và chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tăng cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
“Trên thực tế, chi phí mặt bằng, chi phí để tìm kiếm và xây dựng mặt bằng với nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, thậm chí có thể khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh và mất nhiều lợi thế với các doanh nghiệp FDI” – Ông Hoàng Hữu Thắng nói.
Cùng quan điểm để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thăng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ giảm giá thuê đất tại các khu công nghiệp mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi mặt bằng sản xuất để giúp các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh thành phía Bắc hứng chịu những thiệt hại nhất định từ cơn bão số 3. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo rất sát sao của Đảng, Chính phủ và các địa phương, hiện nay, các doanh nghiệp đã khắc phục được cơ bản về cơ sở hạ tầng, nguyên liệu đầu vào và kết nối với đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy và đưa sản xuất hoạt động trở lại bình thường. Mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn được đảm bảo theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 đã đề ra, trong đó có các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
“Điều đáng mừng là thấu hiểu hoàn cảnh của doanh nghiệp, Chính phủ đã rất nhanh chóng ban hành 6 nhóm giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Nghị quyết số 143/NQ-CP. Mong các doanh nghiệp có thể tiệm cận để hưởng những ưu đãi này” – ông Nguyễn Hoàng kỳ vọng.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, 2 chính sách quan trọng như thời kỳ Covid-19 có thể triển khai được luôn. Thứ nhất, chính sách tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất. Thứ hai, chính sách tài khóa liên quan đến miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ phải được tính toán làm thế nào để nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 5/2024 cho thấy, dù chỉ có 6% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhưng lại tăng hơn so với tỷ lệ 4,5% của năm 2022.
Trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng bởi các rào cản liên quan đến thủ tục bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính dài hơn so với quy định…
Đáng lưu ý là gần 73% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, cao hơn đáng kể so với kết quả khảo sát 2 năm trước.
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/doanh-nghiep-kho-chong-kho-sau-sieu-bao-yagi-mong-coi-go-168754.html