Bộ Xây dựng vừa nhận được kiến nghị của cử tri phản ánh việc hiện nay còn rất nhiều người dân có thu nhập thấp không có nhà ở, nhưng lại tồn tại không ít dự án bất động sản bị bỏ hoang, mà người thu nhập thấp không thể tiếp cận được.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong điều kiện nguồn lực Nhà nước vẫn hạn chế, từ năm 2015 đến nay, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, qua đó, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân nói chung, các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội nói riêng, người dân thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Qua tổng hợp báo cáo của địa phương đối với kết quả phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 804 dự án nhà ở xã hội được triển khai, quy mô khoảng 573.992 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành 376 dự án với quy mô 195.676 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng 128 dự án, quy mô 115.379 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Ngoài ra, nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nội dung tại các văn kiện Đại hội Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao là cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước, Bộ Xây dựng đã chủ trì nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ, đầy đủ, đủ sức điều chỉnh hầu hết các hoạt động về quản lý, phát triển nhà ở và nhà ở xã hội. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024 hệ thống này bao gồm 1 Luật, 6 Nghị định, 4 Thông tư.
Bộ Xây dựng cũng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 Quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cho đối tượng chính sách và 1 Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc và tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của địa phương, lĩnh vực nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Liên quan đến phản ánh tình trạng có nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, Bộ Xây dựng nhận định thực tế, quy định của pháp luật, quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh bất động sản của dự án bất động sản phải tuân thủ nhiều hệ thống pháp luật, như: pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản…..
Theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án bất động sản phải được triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng đất trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất. Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng, thì chủ đầu tư dự án có thể bị thu hồi diện tích đất chủ đầu tư dự án đã nhận bàn giao để thực hiện dự án.
Mặt khác, trong quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Do vậy, để hạn chế tình trạng có dự án bất động sản bỏ hoang, chậm triển khai… như phản ánh của cử tri, các địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh đối với dự án bất động sản theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bo-xay-dung-tra-loi-ve-cac-du-an-bat-dong-san-bi-bo-hoang.htm