Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tại châu Âu đề xuất bổ sung quy định cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.
Phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 17/10, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tại châu Âu, cho rằng “đã đến lúc cân nhắc, xem xét bổ sung” quy định nêu trên.
Theo Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, mọi công dân từ 21 tuổi có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp. Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, trong đó có nội dung “chỉ có một quốc tịch Việt Nam”.
Ông Thắng cũng đề xuất cho phép các tổ chức hội đoàn quy mô lớn được phép trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác. Đại diện Hội đồng hương kiều bào các tỉnh ở các nước có thể tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Đại diện Hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài có thể là thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tại châu Âu mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm có quyết sách đột phá, tạo thuận lợi cho kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài vì thời gian qua, nhiều nước đã thay đổi chính sách quốc tịch với người nhập cư. Trước đây, họ chỉ cho phép mỗi người mang một quốc tịch nhưng nay nhiều nước đã có chính sách đa quốc tịch. Do đó, nhiều người từng xin thôi quốc tịch để nhập tịch nước ngoài đang có nhu cầu khôi phục quốc tịch Việt Nam và mong muốn được có song tịch.
“Nguyện vọng này nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau”, ông Thắng nói, cho rằng dù đã có một số quy định về vấn đề này, nhưng triển khai thực tế còn khó khăn.
Ông cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xác định quốc tịch Việt Nam đối với trẻ em là con lai và đẩy nhanh quá trình cấp hộ chiếu cho những người chưa có giấy tờ chứng minh quốc tịch. Ông mong các cơ quan tăng cường hoạt động hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức các lớp học tiếng Việt, cung cấp giáo trình, tài liệu và cử giáo viên giảng dạy.
Theo báo cáo Chính trị do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày, thời gian tới, cơ quan này sẽ thí điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với những nơi đủ điều kiện.
Hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được nâng cao hiệu quả thông qua việc tăng cường giao lưu hữu nghị, tổ chức các diễn đàn đa phương và song phương, đồng thời vận động, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Phương thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được đổi mới, ưu tiên lắng nghe ý kiến của trí thức, chuyên gia và doanh nhân, tạo điều kiện để họ đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có 6 triệu người, sinh sống tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2023, kiều hối gửi về Việt Nam đạt 16 tỷ USD.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-duoc-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-4805297.html