Thứ năm, 09/05/2024 16:07 (GMT+7)
–1. Kiến thức
Người có kiến thức pháp luật giao thông cao có khả năng tuân thủ gấp 6 lần người khác. Tuy nhiên, những kiến thức này phải được giáo dục cơ bản từ THCS đến THPT để thấm sâu, hình thành ý thức tự giác. Sau đó, mới được củng cố và phát triển trong các chương trình đào tạo lái xe, cũng như các chương trình tuyên truyền an toàn giao thông.
Tương tự, người có nhận thức về rủi ro cao sẽ tuân thủ luật giao thông hơn người có nhận thức thấp. Nhận thức rủi ro là một trong bốn thành phần của Mục tiêu đào tạo lái xe châu Âu, đã và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Kiến thức về rủi ro trong giao thông cũng phải được đào tạo, tuyên truyền từ lúc còn nhỏ cho đến cả sau khi có GPLX.
2. Tuổi
Các nghiên cứu tâm lý đều chỉ ra rằng càng lớn tuổi con người ta thường càng trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ, hành vi. Do vậy, người lái xe càng lớn tuổi thì càng có xu hướng tuân thủ luật giao thông hơn so với người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên.
3. Đặc điểm và trạng thái tâm lý cá nhân
Đặc điểm tâm lý cá nhân bao gồm tính cách và khả năng tự chủ.
Người lái xe có tính cách nóng nảy, thiếu kiểm soát thường thể hiện sự hung hăng, làm tăng nguy cơ vi phạm và va chạm giao thông. Hành vi lái xe được cho là hung hăng nếu diễn ra có chủ ý, có xu hướng làm tăng nguy cơ va chạm và được thúc đẩy bởi sự thiếu kiên nhẫn, khó chịu, thù địch hay cố gắng tiết kiệm thời gian. Ý thức giao thông cao thì tính hung hăng thấp và ngược lại.
Tự chủ là khả năng của một cá nhân dựa trên những tiêu chuẩn nhất định về đạo đức, giá trị và quy tắc xã hội để có hành vi tích cực. Do vậy, tự chủ liên quan đến cách người lái xe kiểm soát cảm xúc trong các tình huống trên đường để tuân thủ luật giao thông. Có ba khía cạnh là: Tự chủ hành vi, tự chủ nhận thức và tự chủ quyết định.
Các trạng thái tâm lý như vui vẻ, phấn khích hay buồn bã, chán nản đều có ảnh hưởng tiêu cực đến sự tuân thủ luật giao thông.
4. Giá trị đạo đức cá nhân
Những người theo đuổi những giá trị đạo đức tốt đẹp và tiến bộ như nhân ái, công bằng, chính trực, minh bạch sẽ có ý thức cao hơn và do đó tuân thủ tốt hơn với pháp luật nói chung, pháp luật giao thông đường bộ nói riêng.
Mặt khác, đây cũng là những người có lòng tự trọng và ý thức xã hội cao, họ luôn chú ý giữ gìn hình ảnh cá nhân, xây dựng quan hệ với mọi người xung quanh và đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng. Chấp hành nghiêm túc pháp luật giao thông đường bộ là một trong nhiều cách đóng góp hàng ngày cho lợi ích xã hội dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả.
5. Văn hóa cộng đồng
Tục ngữ có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài,” nghĩa là cá nhân có xu hướng bị ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực bởi hoàn cảnh sống, bao gồm văn hóa và xã hội. Khi đến một nơi có văn hóa giao thông tốt, con người ta thường hành xử như xung quanh và ngược lại, dù khác hẳn với nơi họ sống.
Đồng thời, cá nhân cũng bị ảnh hưởng từ hành vi của những người khác trong cùng nhóm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Nghĩa là sự tuân thủ trong giao thông của người lái xe bị ảnh hưởng bởi những người thân thuộc, quen biết xung quanh. Ví dụ một người lái xe sẽ vượt đèn đỏ khi đã và đang có nhiều người trong gia đình, bạn bè vẫn thường làm như vậy.
6. Yếu tố kỹ thuật
Điều kiện và tình trạng kỹ thuật của đường sá ảnh hưởng rõ rệt đến sự tuân thủ pháp luật giao thông, cũng như nguy cơ xảy ra tai nạn. Chẳng hạn như khi đường hẹp, mặt đường xấu hay báo hiệu không đầy đủ, không hợp lý thì khó có thể đảm bảo được ý thức tuân thủ.
7. Hình ảnh cảnh sát giao thông
Cảnh sát giao thông không những là người thực thi pháp luật mà hơn thế nữa còn là người xây dựng và bảo vệ văn hóa giao thông. Thái độ và hành vi mẫu mực của cảnh sát giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông và ngược lại.
8. Mức phạt cao và thực thi nghiêm minh
Một trong những động lực cơ bản của việc tuân thủ pháp luật là nỗi sợ bị trừng phạt khi vi phạm. Khi quy định và sự thực thi quy định pháp luật không tạo ra nỗi sợ này thì sẽ trở thành trở ngại đáng kể cho việc tuân thủ. Việc phạt nồng độ cồn thời gian qua là một ví dụ điển hình.
Có thể thấy “Kiến thức”, “Giá trị đạo đức cá nhân”, “Văn hóa cộng đồng” cần một tiến trình lâu dài; còn “Tuổi”, “Đặc điểm và trạng thái tâm lý cá nhân” thì chỉ có thể biết để giảm thiểu, phòng tránh. Nhưng rõ ràng “Hình ảnh cảnh sát giao thông” và “Mức phạt cao và thực thi nghiêm minh” là có thể thực hiện và có tác dụng ngay, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy các yếu tố còn lại.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/yeu-to-nao-anh-huong-den-su-tuan-thu-phap-luat-giao-thong-1337825.ldo