Khách hàng Việt: “Dịch vụ nào tốt thì ủng hộ”
Kể từ cuộc cách mạng thay đổi thói quen gọi xe ôm, taxi công nghệ từ những năm 2014-2016, đến nay người Việt đã quen dần với việc gọi xe qua các ứng dụng. Đáng nói, kể từ tháng 4.2023, nền tảng đa dịch vụ thuần điện lớn nhất Việt Nam là Xanh SM xuất hiện đã nhanh chóng chiếm được sự ưu ái của người dùng.
Sau 1 lần đi ké taxi điện cùng bạn, ông Lê Đức Công (Hà Đông, Hà Nội) dịch chuyển từ khách hàng thân quen của Grab sang Xanh SM.
“Taxi của Grab hay các hãng khác hiện nay có nhiều xe cũ, tài xế nhiều người không được thân thiện, qua vài lần sử dụng tôi chuyển hẳn sang việc chỉ đặt xe taxi xanh. Thêm nữa xe điện vận hành êm ái, không có mùi xăng là điểm cộng rất lớn” – ông Công chia sẻ lý do đồng thời khẳng định bản thân ủng hộ các doanh nghiệp kinh doanh, phát triển vì môi trường.
Cũng giống như ông Công, bạn Lê Hoàng Minh (sinh viên năm 2 Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ưa chuộng sử dụng dịch vụ phương tiện của Xanh SM.
“Hiện giờ Xanh SM đang có rất nhiều voucher giảm giá cho cả taxi và bike, rất phù hợp với chi tiêu của sinh viên bọn mình. Hiện nay có nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ, nhưng với mình hãng nào tiện lợi thì mình dùng. Thêm nữa, người Việt mình nên ủng hộ người Việt” – Minh nói.
Thực tế là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Xanh SM đã tạo được lòng tin và thay đổi được thói quen di chuyển của một bộ phận hành khách Việt. Trao đổi với Lao Động, đại diện GSM cho biết, hơn 9 tháng ra mắt thị trường (từ 14.4.2023), Xanh SM của GSM phục vụ 20 triệu khách hàng tại 29 tỉnh thành và bước đầu tiến ra thế giới, đầu tiên là từ nước bạn Lào.
70 triệu km di chuyển của các tài xế sau 8 tháng đã góp phần giảm thải 13,4 triệu kg CO2, tương đương hơn 600.000 cây xanh được trồng.
“Nhiều khách hàng đã phản hồi về chất lượng dịch vụ đồng bộ, vượt trội hơn tiêu chuẩn ngành taxi, đặc biệt ấn tượng về phương tiện mới, rộng rãi, sạch sẽ nhờ được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ hàng tuần để đảm bảo tiêu chuẩn nội thất – ngoại thất xe.
Đội ngũ tài xế của Xanh SM cũng được tuyển chọn và đào tạo bài bản, từ nghiệp vụ đến tác phong, ứng xử, lấy ‘dịch vụ tận tâm’ làm kim chỉ nam để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ nhiệt độ trên xe, âm nhạc có phù hợp không, luôn hỏi hoặc báo trước để phục vụ. Đặc biệt phải kể đến một tiêu chuẩn dịch vụ làm nên sự khác biệt của thương hiệu từ những ngày đầu tiên, chính là ba lời chào đặc trưng trên từng chuyến xe: Xanh SM xin chào!” – đại điện đơn vị chia sẻ.
Tài xế taxi “dịch chuyển” sang hãng xe thuần điện
Anh Phạm Tuấn Anh (Hà Nội) từng nhiều năm chạy xe cho các hãng taxi truyền thống, Grab hay lái xe đường dài, anh Tuấn Anh muốn tìm kiếm sự thay đổi, quyết định đi nộp hồ sơ xin việc sau khi đọc được quảng cáo tuyển dụng của hãng taxi Xanh SM trên mạng xã hội.
Anh Tuấn Anh chia sẻ rất bất ngờ với quy trình “training” của công ty mới. “Nhân viên mới được đào tạo từ cách vận hành xe điện, cách thanh toán bằng máy quẹt thẻ đến việc sử dụng app…” – anh Tuấn Anh nói.
Nhìn lại quãng thời gian làm việc ở GSM, anh Tuấn Anh cho biết: “Khi taxi điện ra mắt, số lượng xe còn ít nhưng người dân ủng hộ khá nhiều, thành ra tài xế chúng tôi rất ham chạy. Gần như ngày nào cũng chạy liên tục, có khi không kịp ăn”.
Anh Tuấn Anh được công ty giao chạy xe VFe 34 nhưng không lo khấu hao xe. Đăng ký chính sách phổ thông là làm việc 8 tiếng/ngày, khi đủ số giờ, anh Tuấn Anh có thể tắt ứng dụng nếu không muốn chạy thêm.
“Gia nhập đội tài xế Xanh SM, thu nhập mình bỏ túi đến từ khoản lương cứng, hoa hồng và nhiều mức thưởng vượt trội có thể lên tới 45% doanh thu tháng khi đạt doanh thu cao, số cuốc cao. Nếu siêng chạy thì 1 tháng có thể kiếm được đến 20 – 25 triệu đồng” – anh Tuấn Anh chia sẻ sự hài lòng của mình với chế độ lương thưởng của công ty.
Theo anh Tuấn Anh, cái hay của chạy xe điện là chi phí vẫn tối ưu so với xe xăng. “Với các xe xăng dùng để chạy dịch vụ, nhiên liệu tiêu thụ khi chạy trong phố vẫn cao hơn 10-15 lít/100km” – anh Tuấn Anh nói.
Cùng câu chuyện, Anh Hiếu (57 tuổi, Phú Thọ) là người đã chạy xe ôm công nghệ cho đủ tất cả thương hiệu như Grab, Be, Gojek…nhưng mới đây tài xế này đã quyết định chuyển sang chạy xe cho Xanh SM Bike vì lý do nhận cuốc được đều hơn.
“Chiết khấu của Xanh SM Bike ít hơn nhiều so với các thương hiệu khác. Tính tổng tất các chi phí thì chiết khấu của Bee cho tài xế là 38%, còn của Grab là 33%. Đối với Xanh SM, chiết khấu tổng các chi phí là 27%, còn riêng chiết khấu của tài xế cho đơn vị sau mỗi cuốc là 15,5%. Chiết khấu của Xanh SM rất tốt cho thu nhập của tài xế” – anh Hiếu chia sẻ.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/xanh-sm-thay-doi-thoi-quen-di-chuyen-cua-nguoi-viet-1294191.ldo