Mới đây, BYD đã liên tục giảm giá mẫu xe điện Atto 3 tại thị trường Thái Lan – một động thái làm bùng lên cơn giận dữ trong cộng đồng người dùng xứ sở chùa vàng. Nguyên nhân được cho là hãng đã tự làm giảm giá trị sản phẩm mà không có lý do chính đáng, đi ngược với cam kết với những khách hàng phải bỏ ra số tiền lớn để sở hữu sớm mẫu xe này.
Trên một hội nhóm Facebook dành cho khách hàng của hãng xe điện Trung Quốc, người dùng Kato Kung chia sẻ sự tức giận: “Atto3 từng giảm giá lần đầu 100.000 baht vào cuối năm 2023. Khi ấy, tôi đã trả góp 2 tháng nhưng cũng chẳng nghĩ gì cả. Rồi tới lần giảm giá thứ hai, thêm 100.000 baht nữa vào tháng 3/2024”.
Ban đầu, vị khách trên dự định sẽ bán xe sau khi trả góp một năm. Tuy nhiên, tình hình “không thể cứu vãn” khi vào tháng 7/2024, giá lại giảm tổng cộng 340.000 baht. “Tôi nghĩ mình không thể chịu đựng được nữa, tôi không muốn sử dụng nữa vì tôi không thích những công ty có hành động như vậy”, Kato Kung viết.
Cơn giận dữ của Kato cũng là tâm lý bất bình và thất vọng chung của nhiều khách hàng đã mua xe BYD tại Thái Lan trước động thái khó hiểu của hãng.
Dồn hàng tồn sang các thị trường “dễ tính”?
Theo PGS Wasana Wongsurawat, chuyên gia về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), có 3 lý do cho động thái giảm giá “bất chấp” như nhiều khách hàng BYD kết luận.
Thứ nhất, sản lượng đã vượt quá xa so với lực cầu. Điều này có nguyên nhân từ việc chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay trợ giá cho các nhà sản xuất xe điện, trong đó có BYD.
Thứ hai, định kiến về nguồn gốc xuất xứ khiến BYD không bán được ở châu Âu như dự tính. Trong khi đó, Mỹ đã quyết định áp thuế cao với xe điện của nước này.
Hai lý do trên dẫn tới lý do thứ ba. “Từ đó đã dẫn đến tình trạng buộc phải tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường dễ tính, có tiêu chuẩn thấp hơn và giảm giá để dọn kho”, bà Wasana nhận định.
Trong một nghiên cứu năm 2023 về chiến lược tại các thị trường nước ngoài của BYD, nhóm tác giả nghiên cứu tới từ các trường đại học Mỹ và Trung Quốc chỉ ra, một trong những lý do khiến giá xe BYD thấp là việc hãng này đã giảm khoản chi cho công tác đào tạo dịch vụ hậu mãi. Hậu quả là nhân viên của BYD nhìn chung kém chuyên nghiệp hơn so với nhân viên các hãng xe khác.
Ngoài ra, “mức giá xe năng lượng mới của BYD thấp hơn cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về an toàn trong quá trình hãng đi ra quốc tế”, nghiên cứu nêu rõ.
Làn sóng có thể dừng mua BYD vì biết giá sẽ còn giảm
Một xu hướng rõ rệt phản ứng lại động thái này của BYD, đó là việc cộng đồng khách hàng của hãng tại Thái Lan “rỉ tai” nhau chưa vội mua xe điện BYD vì sợ xe mất giá quá nhanh.
“Sau này, khi BYD mở bán xe mới, chúng tôi sẽ không vội mua vì quá khứ giảm giá của BYD gây ra cảm giác lo ngại thường trực”, người dùng Chakrit Butraj bày tỏ hoài nghi về mức giá tương lai của xe điện BYD.
Bên dưới bài viết, nhiều khách hàng cho biết, họ cảm thấy bị thiệt thòi, thậm chí là “bị phản bội” bởi thương hiệu họ từng tin tưởng.
Ảnh hưởng tiêu cực từ sự việc này cũng lan sang ngành bảo hiểm. Trên kênh Amarin TV, chuyên gia bảo hiểm Siravich Siravich cảnh báo về khả năng xảy ra “rủi ro về mặt đạo đức” sau động thái giảm giá của BYD.
Cụm từ này dùng để chỉ tình huống khách hàng có xe được bảo hiểm với số tiền cao hơn giá trị thị trường hiện tại. Những người này có thể cố ý phá hoại xe để nhận khoản thanh toán vượt quá giá trị xe ban đầu.
Chẳng hạn, nếu một chiếc BYD Atto 3 được mua và bảo hiểm vào năm ngoái với giá 900.000 baht nhưng hiện chỉ có giá 859.900 baht sau giảm giá, chủ xe có thể tính tới việc cố ý tự phá hoại xe đến mức không thể sửa chữa để nhận toàn bộ tiền bảo hiểm.
“Ví dụ này cho thấy có tồn tại động cơ khuyến khích chủ xe đòi lại tiền”, ông Siravich nói. “Điều này rất đáng sợ đối với các công ty bảo hiểm”.
Theo các chuyên gia, dù chiến lược của BYD có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho hãng trong việc giải quyết tồn kho và thúc đẩy doanh số tại các thị trường tiêu chuẩn thấp, nhưng động thái này có thể để lại hệ lụy lâu dài đối với hình ảnh thương hiệu, khi quyền lợi của người dùng phải được đảm bảo công bằng ở bất cứ đâu.
BYD tung nhiều mẫu xe về Việt Nam dù hệ thống đại lý lớn nhất rút lui
Tại Việt Nam, BYD mới đưa nhiều mẫu xe ra thị trường dù hệ thống đại lý lớn nhất thông báo rút lui ngay trước khi hãng xe này chính thức ra mắt. New Energy Holdings, công ty con của Tasco Auto (sở hữu Savico) bất ngờ quyết định không tham gia dự án phát triển đại lý BYD ở Việt Nam. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nhiều đại lý được cho là đã gần tới khâu hoàn thiện tại TP.HCM cũng như Hà Nội. Trước khi đưa ra quyết định trên, NEH là một trong những đơn vị phân phối xe BYD lớn nhất ở Việt Nam với hệ thống các showroom được trải khắp Việt Nam.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/tam-ly-khong-voi-mua-cho-giam-gia-lan-rong-trong-cong-dong-nguoi-dung-byd-1367630.ldo