Phanh gấp, tăng ga đột ngột
Việc phanh gấp, tăng ga đột ngột về lâu dài sẽ làm giảm độ bền của xe đạp điện. Bên cạnh đó, việc làm này còn dễ gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Khi di chuyển, người sử dụng chú ý lên ga từ từ, chú ý quan sát để chủ động xử lý, tránh phanh gấp gây đổ xe hay trơn trượt bánh.
Khi khởi động hay lên dốc, người lái có thể kết hợp đạp vài nhịp của bàn đạp để tránh việc đột ngột tăng tốc, từ đó giúp tăng độ bền cho xe và tiết kiệm nhiên liệu.
Dùng sạc và ắc quy không đồng bộ
Đây là một việc làm nguy hiểm, gây ra tình trạng giảm dung lượng ắc quy, phồng ắc quy, thậm chí gây nổ trong quá trình sạc điện. Phần sạc của xe đạp điện phải chất lượng, đúng thông số của hãng, đồng bộ với ắc quy mới có thể đảm bảo an toàn.
Do đó, trong quá trình thay thế, sửa chữa, người sử dụng cần lưu tâm đến các thông số, yêu cầu kỹ thuật theo khuyến cáo từ nhà sản xuất.
Chở quá tải trọng
Khi sản xuất một chiếc xe đạp điện, nhà sản xuất luôn có quy định liên quan đến tải trọng. Việc xe chở quá tải trọng về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ pin, ắc quy, khiến quãng đường đi được sau 1 lần sạc đầy của xe máy điện giảm xuống.
Chở quá tải trọng cũng gây áp lực lên các bộ phận của xe, như khung xe, lốp xe,… Điều này sẽ dẫn đến tình trạng xuống cấp và hư hỏng của xe đạp điện.
Vì vậy, người sử dụng cần biết về tải trọng theo khuyến nghị của nhà sản xuất để không chở người và hàng hóa vượt quá giới hạn cho phép, giúp bảo vệ cho chiếc xe đạp điện của mình.
Không bảo dưỡng định kỳ
Không bảo dưỡng xe định kỳ gây ảnh hưởng đến độ bền, khả năng vận hành của xe, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Bởi sau một thời gian sử dụng, các phụ tùng, phụ kiện trên xe sẽ có những hao mòn nhất định. Người sử dụng nên đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ tại những đơn vị uy tín để được kiểm tra và sửa chữa kịp thời.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/sai-lam-nhat-dinh-phai-tranh-khi-su-dung-xe-dap-dien-1391729.ldo